Tóm tắt bệnh Viêm khớp nhiễm khuẩn sinh mủ

Các tên gọi khác của bệnh này:

  • Viêm khớp nhiễm khuẩn
  • Septic arthritis
  • Pyogenic arthritis
  • Suppurative arthritis

Là tình trạng khớp bị nhiễm trùng do vi khuẩn. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào khớp qua đường máu hoặc nhiễm khuẩn trực tiếp sau chấn thương khớp. Nhiễm trùng có thể gây tổn thương khớp vĩnh viễn nếu không được điều trị hoặc lan vào máu, đe dọa đến tính mạng. Trước phẫu thuật khớp, tiêm chích ma túy, hệ thống miễn dịch bị suy yếu làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Triệu chứng

Sưng khớp, đau khớp dữ dội, sốt, đỏ khớp, không thể di chuyển phần cơ thể có khớp bị viêm.

Chẩn đoán

  • Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

  • Xét nghiệm dịch khớp để xác định vi khuẩn gây bệnh.

  • Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC), bảng chuyển hóa toàn diện (CMP).

  • Chụp CT Scan, cộng hưởng từ (MRI), X-quang.

  • Phân tích nước tiểu (UA).

  • Các xét nghiệm bổ sung có thể được yêu cầu.

Điều trị

Dùng thuốc kháng sinh để điều trị các nhiễm trùng. Thường xuyên hút dịch khớp hoặc phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn dịch khớp bị nhiễm trùng.

Tổng quan bệnh Viêm khớp nhiễm khuẩn sinh mủ

Viêm khớp nhiễm khuẩn (viêm khớp mủ hay viêm khớp do vi khuẩn) để chỉ bệnh viêm khớp do vi khuẩn có mặt ở trong khớp, trực tiếp gây bệnh. Cần phân biệt với các bệnh thấp khớp mà nguyên nhân phần lớn là do miễn dịch, hoặc nếu có nhiễm khuẩn gây viêm khớp cũng thông qua con đường miễn dịch, vi khuẩn không trực tiếp gây bệnh, cũng không xếp vào các bệnh viêm khớp do lao, do virus, do nấm…

Viêm khớp nhiễm khuẩn có thể gặp ở một hay nhiều khớp.

Viêm khớp nhiễm khuẩn hiện vẫn còn gặp nhiều nếu không được chẩn đoán sớm, điều trị không tích cực và kịp thời, bệnh thường đưa đến những hậu quả rất nặng nề như nhiễm khuẩn huyết, viêm xương, trật khớp, dính khớp …

Điều trị bệnh

Sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch, dẫn lưu mủ khớp khi cần thiết, bất động khớp có thể ngăn chặn được tình trạng huỷ hoại khớp.

Nguyên tắc

  • Sử dụng kháng sinh đường tĩnh mạch, dẫn lưu mủ khớp khi cần thiết, bất động khớp tương đối có thể ngăn chặn được tình trạng huỷ hoại khớp.
  • Thực hiện ngay việc cấy máu, lấy dịch khớp, làm xét nghiệm dịch khớp nhanh bằng phương pháp soi tươi nhuộm gram tìm vi khuẩn. Căn cứ kết quả soi tươi nhuộm gram kết hợp với các yếu tố nguy cơ dự đoán chủng vi khuẩn từ đó lựa chọn ngay kháng sinh thích hợp - trước khi có kết quả cấy máu hoặc dịch khớp (thường có sau 3-5 ngày hoặc lâu hơn tuỳ loại vi khuẩn).
  • Lưu ý cần tránh tiêm trực tiếp kháng sinh vào khớp vì tác dụng không tốt hơn, thậm chí có thể gây nên tình trạng viêm khớp do tinh thể thuốc.

Điều trị cụ thể

  • Sử dụng kháng sinh
    • Khi chưa có kết quả cấy máu, cấy dịch khớp và kháng sinh đồ, soi tươi nhuộm gram dịch khớp âm tính: Dùng ngay kháng sinh cephalosporin thế hệ 3 đường tĩnh mạch như cephotaxim 3g/ngày chia 3 lần (cách 8 giờ 1 lần), hoặc ceftriaxon 1-2 g, 1 lần/ngày có thể bao phủ đầy đủ các nhiễm vi khuẩn thông thường (cộng đồng) ở người lớn.
    • Trường hợp soi tươi nhuộm gram dịch khớp phát hiện vi khuẩn gram dương: Oxacillin hoặc nafcillin 2g, 6 giờ/lần (8 g/ngày), hoặc clindamycin 2,4g tiêm tĩnh mạch/ngày chia 4 lần (6 giờ/lần).
    • Nếu nghi ngờ nhiễm tụ cầu vàng kháng kháng sinh (ví dụ viêm khớp nhiễm khuẩn mắc phải ở bệnh viện) thì dùng vancomycin 2g/ngày chia 2 lần (pha với dung dịch đẳng trương truyền tĩnh mạch).
    • Những bệnh nhân nghi nhiễm trùng trực khuẩn mủ xanh (P. aeruginosa) hoặc nhiễm trùng khớp khi đang dùng thuốc khác đường truyền tĩnh mạch cần phối hợp thêm kháng sinh nhóm aminoglycosid (ví dụ gentamycin 3 mg/kg/ngày - dùng 1 lần tiêm bắp vào buổi sáng) hoặc cephalosporin thế hệ 3 (ví dụ ceftriaxon 1-2 g tiêm tĩnh mạch 1 lần trong ngày).
    • Trường hợp cấy dịch khớp hoặc cấy máu dương tính thì việc điều trị theo kháng sinh đồ:
      • Với viêm khớp nhiễm khuẩn do tụ cầu vàng nhạy cảm với kháng sinh thì dùng oxacillin, hoặc Nafcillin, hoặc clindamycin như trên. Trường hợp tụ cầu vàng kháng methicillin thì dùng Vancomycin 2g/ngày chia 2 lần với thời gian khoảng 4 tuần.
      • Viêm khớp nhiễm khuẩn do phế cầu hoặc liên cầu: Nếu vi khuẩn nhạy với penicillin thì dùng Penicillin G 2 triệu đơn vị tiêm tĩnh mạch 4 giờ/lần, trong 2 tuần. Nếu do H. influenzae và S. pneumoniae kháng penicillin thì điều trị bằng Ceftriaxon 1-2 g, 1 lần/ngày hoặc Cefotaxim 1g, 3 lần/ngày trong 2 tuần.
      • Phần lớn viêm khớp nhiễm khuẩn do vi khuẩn gram âm có thể chữa bằng một kháng sinh Cephalosporin thế hệ 2 hoặc 3 tiêm tĩnh mạch trong 3-4 tuần hoặc thuốc nhóm Fluoroquinolon như Levofloxacin 500mg tiêm tĩnh mạch hoặc uống 1 lần/ngày.
      • Viêm khớp nhiễm khuẩn trực khuẩn mủ xanh nên điều trị ít nhất 2 tuần phối hợp Aminoglycosid với một kháng sinh penicillin phổ rộng như Mezlocillin 3g tiêm tĩnh mạch 4 giờ/lần, hoặc Ceftazidim1g 8 giờ/lần. Thời gian dùng thuốc trong khoảng 2 tuần, sau đó dùng kháng sinh Fluoroquinolon như Ciprofloxacin 750 mg, uống 2 lần/ngày đơn độc hoặc phối hợp với một thuốc nhóm penicillin phổ rộng như trên, hoặc penicillin phổ rộng phối hợp một thuốc nhóm aminoglycosid.
    • Thời gian điều trị viêm khớp nhiễm khuẩn tuỳ loại vi khuẩn, độ nhạy cảm, tình trạng kháng thuốc…Thông thường khoảng 1-2 tuần truyền tĩnh mạch sau đó chuyển sang đường uống bằng kháng sinh thích hợp. Liệu trình điều trị thường từ 2- 4 tuần.
  • Dẫn lưu mủ và các chất bẩn bên trong dịch khớp:Phương pháp này rất cần thiết trong điều trị có tác dụng giảm đau, giảm nguy cơ tạo vách ngăn, giảm nguy cơ hoại tử do làm giảm áp lực trong khớp, loại bỏ những chất gây viêm, loại bỏ một phần vi khuẩn trong khớp. Thậm chí chỉ bằng hút dịch khớp trong trường hợp khớp không tạo vách ngăn cũng cho kết quả tốt.
  • Nội soi rửa khớp: Có thể tiến hành ngay hoặc sau khi hút dịch khớp không có kết quả.
  • Trong một số trường hợp, cần phẫu thuật mở khớp:Phương pháp này nhằm loại bỏ vách ngăn cũng như màng hoạt dịch, sụn khớp hay phần xương bị nhiễm khuẩn. Phẫu thuật mở khớp là điều trị tốt nhất cho viêm khớp nhiễm khuẩn tại khớp háng, đặc biệt ở trẻ em  vì chỏm xương đùi dễ bị đe doạ bởi tình trạng nhiễm khuẩn.
  • Không cần thiết bất động khớp trong viêm khớp nhiễm khuẩn ngoại trừ chỉ định trong trường hợp bệnh nhân rất đau mà điều trị thuốc toàn thân chưa khống chế được. Lưu ý: Tập thụ động từng bước cho bệnh nhân có tác dụng chống dính khớp, tuy nhiên cần tránh dồn lực nên khớp tổn thương trong trường hợp triệu chứng viêm chưa kiểm soát tốt.

Các câu hỏi liên quan bệnh Viêm khớp nhiễm khuẩn sinh mủ