Tóm tắt bệnh Viêm cầu thận cấp

Các tên gọi khác của bệnh này:

  • Viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu khuẩn

Hội chứng viêm cầu thận cấp là biểu hiện lâm sàng của một thương tổn viêm cấp của cầu thận, đặc trưng với sự xuất hiện đột ngột hồng cầu niệu, protein niệu, phù và tăng huyết áp. Viêm cầu thận cấp phát sinh do nhiễm liên cầu, tụ cầu, phế cầu hoặc vi-rút. Hội chứng viêm cầu thận cấp còn biểu hiện thứ phát sau các bệnh như Lupus ban đỏ hệ thống, ban dạng thấp, viêm quanh động mạch dạng nút. Viêm cầu thận cấp ác tính hay viêm cầu thận bán cấp hiện nay được gọi là viêm cầu thận thể tiến triển nhanh, có thể gây tử vong sớm do suy thận và ít khi người bệnh qua khỏi 6 tháng nếu không được điều trị.

Triệu chứng

Một nửa số người bị viêm cầu thận cấp tính không có triệu chứng. Các triệu chứng có thể bao gồm: phù mặt, mí mắt và chân do giữ nước, tiểu ít, nước tiểu sẫm màu do có chứa máu, huyết áp tăng, buồn ngủ, lẫn lộn. Ở những người lớn tuổi, các triệu chứng không đặc hiệu, như buồn nôn và cảm giác khó chịu. Suy nhược, mệt mỏi, sốt, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng, đau khớp. Khoảng 50% bệnh nhân có các triệu chứng giống như cúm trong tháng trước khi suy thận phát triển.

Chẩn đoán

  • Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

  • Xét nghiệm máu và nước tiểu để đo chức năng thận.

  • Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC), bảng chuyển hóa toàn diện (CMP).

  • Chụp X-quang, siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT scan) thận, sinh thiết thận để xác định nguyên nhân gây viêm.

Điều trị

Nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường, ăn nhẹ, hạn chế muối và giảm đạm. Dùng kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn: Penicillin, liệu pháp kháng sinh phối hợp giữa Penicillin và thuốc ức chế Enzym Beta-lactamase (Augmentin) hoặc Cephalosporin thế hệ thứ 2 (Zinnat), thứ 3 (Cefixim).

Tổng quan bệnh Viêm cầu thận cấp

Hội chứng viêm cầu thận cấp là biểu hiện lâm sàng của một thương tổn viêm cấp của những cầu thận, đặc trưng với sự xuất hiện đột ngột hồng cầu niệu, protein niệu, phù và tăng huyết áp.

Hiện nay, nhờ những tiến bộ khoa học, nhất là kỹ thuật sinh thiết thận. Người ta đều thống nhất rằng: Viêm cầu thận cấp không chỉ là một bệnh đơn thuần mà là một hội chứng gọi là hội chứng cầu thận cấp. Lý do là vì bệnh cảnh lâm sàng thường giống nhau nhưng tổn thương mô bệnh học lại đa dạng, bệnh phát sinh không chỉ do liên cầu mà có thể sau nhiễm tụ cầu, phế cầu, vi-rút.

Hội chứng viêm cầu thận cấp còn biểu hiện thứ phát sau các bệnh như lupus ban đỏ hệ thống, ban dạng thấp, viêm quanh động mạch dạng nút. Viêm cầu thận cấp ác tính hay viêm cầu thận bán cấp hiện nay được gọi là viêm cầu thận thể tiến triển nhanh. Tên gọi này đặc trưng cho bệnh là tiến triển nhanh, tử vong sớm do suy thận và ít khi người bệnh qua khỏi 6 tháng nếu không được điều trị.

Dịch tễ học - Tỷ lệ mắc bệnh: tỷ lệ mắc bệnh viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu không được biết một cách chính xác vì nhiều trường hợp bệnh được giữ điều trị ngay tuyến trước.

Tần suất bệnh giảm dần ở các nước công nghiệp hiện đại, nhưng vẫn còn thường gặp ở các nước nhiệt đới, các nước đang phát triển (châu Phi, vùng Caribé, châu Á, Nam Mỹ...). Bệnh xuất hiện dưới dạng tản phát, hoặc có thể thành từng vụ dịch, đặc biệt ở những nơi vệ sinh kém (những vụ dịch ở Trinidad, Maracaibo, Minnesota).

Liên quan giới và tuổi: Bệnh rất hiếm trước 2 tuổi, thường gặp ở trẻ từ 3 đến 8 tuổi, trẻ nam thường gặp hơn nữ (tỷ lệ nam/nữ = 2/1). Ở người lớn ít gặp hơn so với trẻ em.

Điều trị bệnh

Bệnh khởi phát đột ngột với các biểu hiện như phù từ mức độ nhẹ đến trung bình, đái ít (< 500ml/24 giờ), đái máu đại thể hoặc vi thể, tăng huyết áp, protein niệu < 3g/24 giờ, xuất hiện hồng cầu niệu, trụ hồng cầu và trụ hạt, bổ thể giảm, ASLO tăng. Nếu không được điều trị kịp thời dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như suy thận cấp, phù phổi cấp, phù não hoặc chảy máu não, suy tim trái hoặc suy tim toàn bộ.

Bên cạnh việc nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường, ăn nhẹ, hạn chế muối và giảm đạm, thì vấn đề dùng thuốc điều trị trong viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu là hết sức quan trọng.

Kháng sinh

Nếu có nhiễm khuẩn thì phải đặt ra vấn đề dùng kháng sinh. Lựa chọn hàng đầu được nhắc đến là sử dụng Penicillin dạng uống hoặc dạng tiêm trong vòng 7 - 10 ngày. Nếu thất bại, có thể sử dụng liệu pháp kháng sinh phối hợp giữa Penicillin và một thuốc ức chế Enzym Beta-lactamase (Augmentin) hoặc một Cephalosporin thế hệ thứ 2 (Zinnat) thậm chí thế hệ thứ 3 (Cefixim).

Điều trị triệu chứng

  • Điều trị phù: ăn hạn chế muối, tùy theo mức độ phù mà có thể sử dụng thuốc lợi tiểu cho hợp lý, tuy nhiên thuốc lợi tiểu hay được sử dụng nhất là một sulfamid lợi niệu.Thuốc được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, khoảng 60 - 70% liều dùng được thải ra ngoài sau 4 giờ, chủ yếu đào thải qua thận. Cơ chế tác dụng của thuốc là thải muối và nước do ức chế tái hấp thu natri ở nhánh lên quai Henle và ở phần pha loãng.Tác dụng của thuốc phụ thuộc liều dùng và đường dùng. Nếu tiêm tĩnh mạch thì tác dụng xuất hiện sau 3 - 4 phút, nhưng nếu dùng đường uống thì sau 30 phút thuốc mới bắt đầu có tác dụng.Thuốc chống chỉ định trong suy gan nặng, suy thận cấp do tắc nghẽn, phù ở phụ nữ có thai.Tác dụng phụ: giảm huyết áp, giảm kali máu, mất nước ngoài tế bào, tăng acid uric máu, độc cho thần kinh thính giác.

  • Điều trị tăng huyết áp: Tùy từng trường hợp có thể sử dụng một số thuốc sau để điều trị.

    • Nhóm thuốc ức chế men chuyển: có một số biệt dược như Renitec (viên 5, 10, 15mg), Coversyl (viên 4mg ), Lopril (viên 25mg), Zestril (viên 10, 20mg), nhóm này dùng tốt nhất trong trường hợp đái tháo đường/THA. Tác dụng phụ: gây ho, tăng kali máu, không dùng trong hẹp khít van động mạch chủ, động mạch thận.

    • Nhóm thuốc chẹn thụ thể Angiotensin II như: Losartan, Telmisartan..

    • Nhóm chẹn beta giao cảm: Propranolol, Atenolol, Pindolol...

    • Nhóm chẹn kênh canxi: có một số thuốc hay dùng như Nifedipin (viên 10, 20, 30mg); Amlor viên 5mg; Plendil viên 5mg; Madiplot viên 10, 20mg. Nhóm thuốc này có ưu điểm: hạ huyết áp tốt, tác dụng kéo dài. Tuy nhiên có nhược điểm là chẹn canxi nên làm nhịp tim nhanh, bốc hỏa ở mặt.

    • Thuốc giãn mạch ngoại biên: Dihydralazin

      Tuy nhiên, trong viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu có thể sử dụng một hay hai loại thuốc hạ huyết áp kết hợp, thường hay dùng thuốc hạ huyết áp nhóm chẹn canxi kết hợp với thuốc hạ huyết áp nhóm ức chế thần kinh trung ương.Ngoài ra nếu có tăng kali máu thì hạn chế đưa kali vào cơ thể qua đường ăn uống, có thể sử dụng dung dịch Natribicarbonat hoặc Calcium tiêm tĩnh mạch để trao đổi ion. Khi có suy thận cấp nặng, kali máu > 6,5 mmol/l thì có chỉ định lọc máu cấp.

Trên 90% trẻ em có viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu khỏi hoàn toàn với điều trị bảo tồn, ở một số bệnh nhân có hồng cầu niệu vi thể, protein niệu nhẹ có thể tồn tại vài tuần đến vài tháng nhưng sẽ khỏi.

Ở người lớn, bệnh thường nặng hơn, với khoảng 60% các trường hợp có thể hồi phục hoàn toàn, một số tiến triển thành viêm cầu thận tiến triển nhanh, số còn lại chuyển thành viêm cầu thận mạn. Do đó, sau điều trị viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu, bệnh nhân cần được theo dõi thường xuyên, trong 6 tháng đầu mỗi tháng kiểm tra 1 lần, sau đó cứ 3 tháng kiểm tra 1 lần, sau 2 năm mà protein niệu âm tính coi như khỏi hoàn toàn.

Các câu hỏi liên quan bệnh Viêm cầu thận cấp