Tóm tắt bệnh Ung thư tinh hoàn

Các tên gọi khác của bệnh này:

  • Testicular cancer
  • Cancer of the testicles

Là sự tăng trưởng bất thường của các tế bào trong tinh hoàn. Có nhiều loại ung thư tinh hoàn, khả năng di căn của bệnh phụ thuộc vào loại ung thư. Hai loại phổ biến nhất của ung thư tinh hoàn là Seminoma và không Seminoma. Bệnh thường ở một bên tinh hoàn, chủ yếu xảy ra ở nam giới trẻ, trong độ tuổi từ 20 - 40.

Triệu chứng

Đau, sưng tinh hoàn, sờ thấy khối u ở tinh hoàn, và/hoặc đau vùng bụng dưới hoặc lưng.

Chẩn đoán

  • Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

  • Quét CT Scan, siêu âm, sinh thiết tinh hoàn.

  • Xét nghiệm máu, các xét nghiệm máu để chỉ điểm khối u là xét nghiệm sinh hóa Alpha Fetoprotein (AFP) trong máu, xét nghiệm β-HCG và xét nghiệm kiểm tra lượng LDH trong máu.

  • Xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC), bảng chuyển hóa toàn diện (CMP).

  • Các xét nghiệm bổ sung có thể được yêu cầu.

Điều trị

  • Điều trị phụ thuộc vào loại khối u, mức độ bệnh và sức khỏe của bệnh nhân.

  • Điều trị bao gồm: phẫu thuật, hóa trị và/ hoặc xạ trị. Hầu hết bệnh nhân được chữa khỏi.

Tổng quan bệnh Ung thư tinh hoàn

Tinh hoàn là tuyến sinh dục nam có nhiệm vụ sản xuất và chứa tinh dịch, đồng thời cũng là nơi sản xuất chính của các hormon nam. Các hormon này kiểm soát sự phát triển của các cơ quan sinh sản và các đặc tính nam. Tinh hoàn nằm trong bìu ở dưới dương vật. Ung thư tinh hoàn có thể phân thành hai loại chính: u tinh và không phải u tinh. U tinh chiếm khoảng 30% các trường hợp ung thư tinh hoàn. Ung thư tinh hoàn không phải u tinh là một nhóm các loại ung thư trong đó có ung thư biểu mô màng đệm, ung thư biểu mô dạng bào thai, u quái và u túi noãn. Ung thư tinh hoàn có thể phối hợp cả hai loại u này. Ung thư tinh hoàn là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới trẻ ở độ tuổi 15 - 35. Bệnh thường gặp ở nam giới da trắng hơn nam giới da đen.

Điều trị bệnh

Thông thường, bác sĩ dùng 4 cách điều trị ung thư tinh hoàn, gồm:

  • Cắt bỏ tinh hoàn tận gốc qua bẹn: Phẫu thuật này gồm cắt bỏ một hoặc cả hai tinh hoàn qua đường rạch ở bẹn. Hạch lympho trong bụng cũng có thể được cắt bỏ. Nếu chỉ cắt bỏ một tinh hoàn bị ung thư, có có khả năng tinh hoàn kia ung thư vào một lúc nào đó. Kết quả là, bác sĩ sẽ khuyên nên khám theo dõi thường xuyên ở chuyên khoa Tiết niệu.

  • Chiếu trị ngoài: Cách điều trị này dùng tia X liều cao hoặc tia xạ năng lượng cao khác để tiêu diệt tế bào ung thư. U tinh thường rất nhạy cảm với xạ trị, nhưng u không tinh thì không

  • Hóa trị liệu: Hóa trị liệu được dùng để tiêu diệt tế bào ung thư bên ngoài tinh hoàn. Các thuốc hóa trị liệu thường được truyền tĩnh mạch tại bệnh viện vài ngày mỗi tháng. Ở một số trường hợp, hóa trị liệu có thể được tiêm bắp hoặc ở dạng viên.

  • Ghép tuỷ xương: Trong thủ thuật này, tuỷ xương được lấy từ cơ thể bạn, xử lý bằng các thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư và sau đó làm lạnh. Sau đó, bạn được điều trị hóa trị liệu, cùng hoặc không cùng tia xạ để phá huỷ những tế bào ung thư còn lại trong cơ thể. Hóa trị liệu cũng phá huỷ tuỷ xương còn lại của bạn. Sau đó tuỷ xương đông lạnh được làm tan đông và tiêm trở lại cơ thể qua đường tĩnh mạch. Cách điều trị khá mới này cho ung thư tinh hoàn và đã có một số kết quả hứa hẹn ban đầu. Tuy vậy, các bác sĩ thường không khuyên điều trị theo cách này vì điều trị hóa trị liệu truyền thống thường rất thành công.

Phẫu thuật có thể phối hợp với xạ trị hoặc hóa trị liệu hoặc cả hai. Điều này phụ thuộc vào týp và giai đoạn ung thư. Tuổi và sức khỏe nói chung cũng là những yếu tố trong chọn lựa cách điều trị. Bạn có thể băn khoăn không biết việc điều trị ung thư tinh hoàn sẽ ảnh hưởng đến dáng vẻ và cuộc sống tình dục của bạn ra sao. Hãy nhớ những điều sau đây:

  • Cấy tinh hoàn nhân tạo: Sau phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn, bạn có thể cấy tinh hoàn nhân tạo vào trong bìu. Tinh hoàn nhân tạo có trọng lượng và cảm giác của tinh hoàn bình thường.

  • Phẫu thuật và đời sống tình dục: Phẫu thuật cắt bỏ hạch lympho không ảnh hưởng đến khả năng cương cứng hoặc cực khoái. Tuy nhiên, phẫu thuật có thể gây vô sinh vì cản trở xuất tinh. Một số nam giới phục hồi khả năng xuất tinh mà không cần điều trị; một số khác cần dùng thuốc. Nếu bạn phải phẫu thuật, hãy hỏi về các kỹ thuật đặc thù có thể bảo vệ khả năng xuất tinh.

  • Xạ trị và đời sống tình dục: Xạ trị có thể không làm thay đổi khả năng tình dục của bạn. Tuy nhiên, xạ trị thường cản trở sản sinh tinh trùng. Tác động này thường chỉ tạm thời và hầu hết nam giới có lại khả năng sinh sản sau vài tháng. Để đề phòng, nhiều nam giới giữ tinh trùng ở ngân hàng tinh trùng trước khi điều trị để dùng sau đó.

  • Hóa trị liệu và đời sống tình dục: Hóa trị liệu không cản trở đời sống tình dục bình thường. Tuy nhiên hóa trị liệu gây mệt mỏi, có thể làm giảm ham muốn tình dục trong khi điều trị.

  • Một số thuốc chống ung thư ảnh hưởng đến sản sinh tinh trùng. Mặc dù tác động này có thể vĩnh viễn, nhiều bệnh nam hồi phục khả năng sinh sản sau đó. Những người lo ngại về khả năng sinh sản có thể đông lạnh và giữ tinh trùng trong ngân hàng trước khi điều trị hóa trị liệu.

Các câu hỏi liên quan bệnh Ung thư tinh hoàn