Tóm tắt bệnh Ung thư tế bào hắc tố

Các tên gọi khác của bệnh này:

  • Malignant melanoma
  • U hắc tố ác tính
  • Ung thư hắc tố

Ung thư tế bào hắc tố là loại ung thư da nguy hiểm nhất. Bệnh phát sinh từ sự tăng trưởng bất thường của các tế bào sản xuất sắc tố da (Melanocytes). Phơi nắng hoặc sử dụng giường làm da nâu nhân tạo (Tanning bed) làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Nếu được phát hiện và điều trị sớm, trước khi khối u lây lan (di căn), bệnh thường được chữa khỏi. Khi khối u đã lan đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác, tỷ lệ chữa khỏi bệnh là rất thấp. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị kiểm tra da hàng năm cho những người trên 40 tuổi, và mỗi 3 năm đối với người trong độ tuổi 20 - 40. Ung thư da có thể xảy ra ở mắt và ruột (hiếm).

Triệu chứng

Nổi u ở da, nốt ruồi chảy máu, thay đổi màu sắc hoặc kích thước. Các đặc điểm của nốt ruồi giúp phát hiện u ác tính: nốt ruồi không đối xứng (một nửa có kích thước khác nửa còn lại); viền cạnh hình chữ V, không đồng đều hoặc mờ, màu sắc không đồng đều, đường kính lớn hơn 6mm.

Chẩn đoán

  • Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

  • Nếu phát hiện có bất kỳ bất thường nào về da sẽ thực hiện sinh thiết da.

  • Các xét nghiệm khác bao gồm xét nghiệm máu, chụp cắt lớp phát xạ (PET Scan).

Điều trị

  • Các khối u cần phải được phẫu thuật cắt bỏ.

  • Sinh thiết hạch bạch huyết để xác định tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết lân cận chưa.

  • Đối với các khối u đã lan rộng, điều trị có thể bao gồm: hóa trị, liệu pháp miễn dịch, xạ trị và/hoặc thuốc kháng tế bào ung thư Interferon.

Tổng quan bệnh Ung thư tế bào hắc tố

Để hiểu biết về u hắc tố cần phải tìm hiểu về da và các tế bào hắc tố. Chúng có chức năng gì, chúng phát triển như thế nào và điều gì xảy ra khi chúng trở thành tế bào ung thư da.

1. Da là bộ phận lớn nhất của cơ thể. Nó bảo vệ cơ thể chống lại hơi nóng, ánh nắng mặt trời, tổn thương và nhiễm khuẩn. Da giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể, dự trữ nước, mỡ và sản xuất vitamin D. Da có hai lớp chính: lớp biểu bì ngoài và lớp chân bì trong.

  • Lớp biểu bì chủ yếu được cấu tạo từ những tế bào dẹt giống vẩy, được gọi là tế bào vẩy. Các tế bào hình tròn được gọi là tế bào đáy nằm ở dưới các tế bào vẩy trong lớp biểu bì. Phần dưới của lớp biểu bì còn có tế bào hắc tố.

  • Chân bì có chứa các mạch máu, mạch bạch huyết, nang lông và các tuyến. Một số trong các tuyến này tiết mồ hôi giúp điều hòa thân nhiệt và một số tuyến tiết ra chất nhờn - là một chất dầu làm cho da không bị khô. Mồ hôi và chất nhờn được đưa lên bề mặt da qua những lỗ nhỏ, gọi là lỗ chân lông.

2. Tế bào hắc tố và nốt ruồi

Tế bào hắc tố có mặt ở toàn bộ phận dưới của lớp biểu bì. Chúng tiết ra Melanin, một loại sắc tố làm cho da có màu tự nhiên. Khi đã tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tế bào hắc tố tiết ra nhiều sắc tố hơn làm cho da bị rám nắng hoặc đen đi. Đôi khi các đám tế bào hắc tố và mô lân cận hình thành nên các mụn lành tính (không phải ung thư) được gọi là nốt ruồi (bác sĩ còn gọi là Nevus). Nốt ruồi rất phổ biến. Hầu hết mọi người có từ khoảng 10 - 40 mụn có màu tươi, hồng, rám nắng hoặc màu nâu trên da. Nốt ruồi có thể phẳng hoặc lồi. Chúng thường có hình tròn hoặc oval và thường nhỏ hơn đầu tẩy bút chì, có thể xuất hiện từ lúc mới sinh ra hoặc về sau này - thường là trước tuổi 40. Thông thường các nốt ruồi phát triển và thay đổi rất ít theo thời gian và có xu hướng mờ đi ở người già. Khi được cắt bỏ, nốt ruồi thường không xuất hiện trở lại.

3. U hắc tố

U hắc tố xuất hiện khi tế bào hắc tố trở thành ác tính. Hầu hết tế bào hắc tố nằm trong da; khi u hắc tố xuất hiện ở da thì loại ung thư này được gọi là u hắc tố da. U hắc tố có thể xuất hiện ở nhãn cầu và được gọi là u hắc tố nhãn cầu. Hiếm khi u hắc tố xuất hiện ở màng não, ống tiêu hóa, hạch hoặc các vùng khác nơi có tế bào hắc tố. U hắc tố xuất phát từ những vùng khác ngoài da không được đề cập tới trong phần này. U hắc tố có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên bề mặt da. Ở nam giới, nó thường xuất hiện ở phần thân (giữa vai và hông) hoặc là vùng đầu và cổ. Ở nữ giới, u hắc tố thường xuất hiện ở phần dưới chân, u hắc tố hiếm khi xuất hiện ở những người da đen và những người có da sẫm màu.

Khi nó xuất hiện ở những người da sẫm màu thì thường ở dưới móng tay hoặc móng chân hoặc ở lòng bàn tay hoặc là gan bàn chân. Nguy cơ phát triển u hắc tố tăng lên theo độ tuổi, nhưng loại ung thư này có thể gặp ở mọi lứa tuổi, u hắc tố là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở thanh niên.

Khi u hắc tố di căn, tế bào ung thư xuất hiện ở hạch. Nếu ung thư di căn vào hạch thì có nghĩa là ung thư đã di căn tới các bộ phận khác của cơ thể như gan, phổi hoặc não. Trong những trường hợp như vậy, tế bào ung thư trong khối u mới vẫn là tế bào u hắc tố và bệnh này được gọi là u hắc tố di căn chứ không phải là ung thư gan, phổi hay não.

Điều trị bệnh

U hắc tố có thể được chữa khỏi nếu được chẩn đoán và điều trị khi khối u còn nông và vẫn chưa xâm lấn sâu vào da. Tuy nhiên, nếu u hắc tố không được cắt bỏ ở giai đoạn sớm, tế bào ung thư có thể phát triển từ bề mặt da sâu xuống dưới, xâm lấn vào mô lành. Khi u hắc tố trở nên dày và sâu, bệnh thường lan sang các bộ phận khác của cơ thể và khó kiểm soát. Nếu bác sĩ nghi nốt trên da là u hắc tố thì bệnh nhân sẽ cần được tiến hành sinh thiết. Sinh thiết là cách duy nhất để đưa ra chẩn đoán chắc chắn. Trong khi thực hiện sinh thiết bác sĩ cố gắng cắt bỏ toàn bộ nốt nghi ngờ này. Đôi khi, cần phải lấy hạch lân cận để quan sát dưới kính hiển vi (phẫu thuật này cũng được coi là một phần của điều trị vì có thể giúp kiểm soát được bệnh). Bác sĩ cũng phải thăm khám kỹ lưỡng và tuỳ thuộc vào độ dày của khối u có thể yêu cầu chụp X-quang lồng ngực; xét nghiệm máu; chụp cắt lớp vi tính gan, xương và não.

1. Phẫu thuật

Phẫu thuật để cắt bỏ u hắc tố là phương pháp điều trị chuẩn cho loại ung thư này. Cần phải cắt bỏ không chỉ có khối u mà còn phải cắt cả một phần mô lành xung quanh nó để giảm khả năng tế bào ung thư còn sót lại trong vùng đó xuống mức thấp nhất.

Độ rộng và chiều sâu của lớp da xung quanh cần phải cắt bỏ phụ thuộc vào độ dày của u hắc tố và độ sâu u xâm nhập vào da. Trong những trường hợp u rất nhỏ và có thể cắt bỏ tất cả mô ung thư trong quá trình sinh thiết, thì không cần tiến hành phẫu thuật nữa. Nếu không thể cắt bỏ toàn bộ u hắc tố trong quá trình tiến hành sinh thiết thì bác sĩ sẽ cắt bỏ mô ung thư còn sót lại khi tiến hành phẫu thuật. Nếu cắt bỏ một mảng mô lớn thì có thể phải tiến hành ghép da đồng thời. Trong quá trình này bác sĩ lấy da ở bộ phận khác của cơ thể để thay thế cho lớp da đã được cắt bỏ, hạch bạch huyết ở gần khối u cũng có thể được cắt bỏ trong khi phẫu thuật bởi vì ung thư có thể lan vào hệ bạch huyết. Nếu bác sĩ giải phẫu bệnh tìm thấy tế bào ung thư trong hạch điều đó có nghĩa là bệnh đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.

2. Hóa trị liệu

Hóa trị liệu là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Nói chung, đây là phương pháp điều trị toàn thân, có nghĩa là nó có thể ảnh hưởng tới các tế bào ung thư trên toàn bộ cơ thể. Trong hóa trị liệu, một hoặc nhiều thuốc điều trị ung thư được đưa vào cơ thể bằng cách uống hoặc tiêm vào mạch máu. Cho dù thuốc được đưa vào cơ thể bằng con đường nào thì nó cũng đi vào mạch máu và tuần hoàn trên toàn cơ thể.

Hóa trị liệu thường được điều trị theo đợt: Một đợt điều trị sau đó là một thời gian nghỉ hồi sức, sau đó là một đợt điều trị khác và cứ tiếp tục như vậy. Bệnh nhân được điều trị bằng hóa chất thường là bệnh nhân ngoại trú (ở bệnh viện, ở văn phòng bác sĩ hoặc ở nhà). Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào loại thuốc điều trị và tình trạng sức khỏe chung bệnh nhân có thể phải nằm viện trong một thời gian ngắn. Một cách đưa thuốc vào cơ thể hiện đang được nghiên cứu được gọi là truyền thuốc vào chi. Nó đang được thử nghiệm đối với u hắc tố chỉ xuất hiện ở một tay hoặc một chân. Khi tiến hành truyền thuốc vào chi, người ta dùng garô để ngăn dòng máu tới chi và rời khỏi chi trong một khoảng thời gian.

Sau đó thuốc điều trị ung thư được truyền vào mạch máu ở chi. Bệnh nhân tiếp nhận liều thuốc cao trực tiếp vào vùng có u hắc tố. Vì hầu hết các loại thuốc điều trị ung thư chỉ lưu hành ở một chi nên phương pháp này không hẳn là một phương pháp điều trị toàn thân.

3. Liệu pháp sinh học

Liệu pháp sinh học (còn gọi là liệu pháp miễn dịch) là một phương pháp điều trị bảng hệ thống miễn dịch của cơ thể, dù là trực tiếp hay gián tiếp, nhằm chống lại ung thư hoặc làm giảm tác dụng phụ do việc điều trị ung thư gây ra. Liệu pháp sinh học cũng là một phương pháp điều trị toàn thân và liên quan tới việc sử dụng các chất được gọi là chất điều biến đáp ứng sinh học.

Cơ thể thường sản xuất ra một lượng nhỏ những chất này khi có nhiễm khuẩn và bệnh tật. Nhờ vào các kỹ thuật trong phòng thí nghiệm hiện đại, các nhà khoa học có thể sản xuất ra một lượng lớn các chất điều biến đáp ứng sinh học để sử dụng trong điều trị ung thư. Trong một số trường hợp, liệu pháp sinh học có thể được sử dụng sau khi phẫu thuật để ngăn ngừa u hắc tố tái phát. Đối với bệnh nhân có u hắc tố đã di căn hoặc có nguy cơ tái phát bệnh cao bác sĩ có thể chỉ định Interferon-alfa và Interleukin-2 (còn được gọi là Aldesleukin) sau phẫu thuật. Các loại thuốc kích thích dòng tế bào (CSF) và các loại vaccin chống ung thư là những ví dụ của các chất điều biến đáp ứng sinh học hiện đang được nghiên cứu.

4. Tia xạ

Trong một số trường hợp, tia phóng xạ được sử dụng để làm giảm triệu chứng của u hắc tố. Xạ trị là phương pháp sử dụng các tia có năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Đây là phương pháp điều trị tại chỗ: nó chỉ ảnh hưởng tới tế bào trong vùng chiếu xạ. Xạ trị là phương pháp được sử dụng nhiều nhất để kiểm soát ung thư đã di căn vào não, xương và các bộ phận khác của cơ thể.

Các câu hỏi liên quan bệnh Ung thư tế bào hắc tố