Tóm tắt bệnh Trĩ

Các tên gọi khác của bệnh này:

  • Lòi dom
  • Haemorrhoids

Bệnh trĩ là bệnh được tạo thành do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ (hay sự phình tĩnh mạch) ở mô xung quanh hậu môn. Có hai loại trĩ: trĩ nội và trĩ ngoại.Trĩ nội gây chảy máu nhưng không đau. Trĩ ngoại gây đau đớn nhưng thường không chảy máu nhiều như trĩ nội. Những nguyên nhân có thể dẫn đến bệnh trĩ: táo bón, mang thai, sau khi sinh, nhiễm trùng hậu môn...

Triệu chứng

Đau trực tràng, chảy máu trực tràng, đầy trực tràng, táo bón, sa búi trĩ, chảy máu hậu môn, chảy máu khi đại tiện.

Chẩn đoán

  • Thực hiện hỏi bệnh sử và khám thực thể.

  • Soi đại tràng Sigma hoặc nội soi đại tràng có thể sẽ được thực hiện để xác nhận rằng lý do chảy máu hậu môn là bệnh trĩ.

  • Soi hậu môn có thể được chỉ định.

Điều trị

Điều trị bao gồm: ngâm hậu môn trong nước ấm, thuốc chống viêm, tăng chất xơ trong chế độ ăn uống, chất làm mềm phân, và phẫu thuật cắt bỏ búi trĩ trong trường hợp nặng.

Tổng quan bệnh Trĩ

Bệnh trĩ là bệnh được tạo thành do giãn quá mức các đám rối tĩnh mạch trĩ (hay sự phình tĩnh mạch) ở mô xung quanh hậu môn.

Trong cơ thể chúng ta có những mạch máu được gọi là tĩnh mạch, với áp suất trong lòng mạch thấp và có nhiệm vụ chuyên chở máu về tim. Quanh lỗ hậu môn cũng có những bó tĩnh mạch này. Khi những bó tĩnh mạch trên bị to ra bất thường và giãn rộng thì gây ra bệnh trĩ.

Chế độ ăn với các loại thức ăn tinh chế, chế biến sẵn...; ít ngũ cốc và các thức ăn nhuận tràng gây khó tiêu và chứng táo bón. Chính chứng táo bón này làm tăng áp lực trong lòng các bó tĩnh mạch quanh hậu môn, khiến tĩnh mạch phình to lên, giãn ra và gây bệnh trĩ.

Bệnh trĩ khá phổ biến. Hầu như ai cũng đã từng có những triệu chứng của bệnh này trong suốt cuộc đời. Tỉ lệ nam nữ bị bệnh là như nhau.

Điều trị bệnh

1. Tại nhà:

Điều trị trĩ khác nhau tùy thuộc vào mức độ nặng của bệnh. Trong hầu hết các trường hợp, điều trị cần được cẩn trọng và có thể thực hiện tại nhà.

  • Ngâm hậu môn trong nước ấm

  • Ngâm hậu môn trong nước ấm 3 lần/ngày và sau mỗi lần đi đại tiện tối thiểu 15 phút.

  • Làm khô vùng da xung quanh hậu môn sau mỗi lần tắm nhưng không để vùng da xung quanh bị chà xát dẫn đến trầy xước.

  • Thay đổi thói quen ăn uống

    • Uống nhiều nước và ăn nhiều trái cây, rau xanh, giúp phân mềm và dẻo hơn, làm giảm tình trạng táo bón.

    • Một số bệnh nhân bị táo bón nặng hoặc phân quá cứng có thể được cải thiện nếu tăng lượng chất cám (gạo lứt) và xơ trong khẩu phần ăn.

    • Hạn chế cà phê và nước trà đặc.

  • Sử dụng chất làm mềm phân: Bạn nên chú ý khi chọn sử dụng thuốc nhuận tràng để điều trị táo bón. Nếu thuốc nhuận tràng làm phân có nhiều nước và quá lỏng, nó có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng hậu môn và không nên sử dụng.

  • Hạn chế ngồi: Một số bác sĩ khuyên bệnh nhân bị trĩ không nên ngồi quá lâu trong một thời gian dài. Một số bệnh nhân cảm thấy thoải mái khi ngồi trên những chiếc ghế rỗng đáy.
  • Tránh những công việc nặng nhọc.
  • Thói quen đi đại tiện
    • Tập thói quen đi đại tiện vào một giờ nhất định trong ngày.
    • Tránh thức khuya, tập thể dục đều đặn, chơi thể thao vừa sức như bơi, đi bộ, tập dưỡng sinh...
  • Một số thuốc sử dụng: Những thuốc dạng kem, thuốc mỡ hoặc thuốc hình viên đạn đặt hậu môn có thể được sử dụng để làm giảm đau (Proctolog: đặt hậu môn 1 lần/ngày sau khi đi đại tiện). Những thuốc này thường có tác dụng rất ít và thậm chí thỉnh thoảng có thể làm trĩ lâu lành, vì vậy bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.

Khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh trĩ, bạn nên đi khám bệnh chứ không nên tự điều trị tại nhà.

2. Tại bệnh viện:

Trong một số trường hợp, trĩ do các bệnh khác gây ra, bạn nên điều trị các bệnh hiện có trước khi điều trị trĩ như viêm đại tràng mãn, hội chứng ruột kích thích, đặc biệt là các bệnh thường gặp ở những người lớn tuổi như viêm phế quản mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, phì đại tiền liệt tuyến. Đối với phụ nữ mang thai, nếu bệnh trĩ nhẹ thì sau khi sinh bệnh có thể tự hết.

  • Thuốc: Tuỳ theo tình trạng của bạn, bác sĩ có thể sử dụng các loại thuốc sau:

    • Tăng cường tính bền thành mạch: các chất chứa vitamin P họ Flavonoide, Rutoside, Daflon, Ginkor fort...

    • Giảm đau và chống ngứa: Paracetamol...

    • Chống phù nề: alpha Chymotrysine...

    • Chống nhiễm trùng: các loại kháng sinh và các oxit kim loại...

    • Chống tắc mạch: Heparin

  • Trĩ thuyên tắc:

Nếu bạn có cục máu đông trong búi trĩ (trĩ thuyên tắc), bạn sẽ có cảm giác đau. Nếu đau không nặng và sưng không nhiều, bác sĩ có thể sẽ đề nghị bạn ngâm hậu môn trong nước ấm và có những biện pháp làm giảm kích thước phân. Tuy nhiên, nếu cơn đau đến mức không chịu đựng được hoặc sưng nhiều, cần phải lấy cục máu đông ra ngoài. Phương pháp này có thể được thực hiện ở phòng mạch bác sĩ hoặc tại phòng cấp cứu của bệnh viện nhưng không nên thực hiện tại nhà. Khi cần phải lấy cục máu đông, búi trĩ sẽ được gây tê bằng thuốc.

Sau khi gây tê, bác sĩ sẽ cắt một vết nhỏ trên búi trĩ để lấy cục máu đông ra, giống như khi trám răng tại phòng mạch của nha sĩ. Một mảnh gạc nhỏ được giữ tại búi trĩ để làm ngừng chảy máu và giữ cục máu đông không quay trở lại. Một mảnh gạc khác sẽ được đặt bên ngoài búi trĩ. Sau đó bạn sẽ ngâm nước ấm búi trĩ tại nhà, khi đó mảnh gạc sẽ được lấy ra lúc bạn bắt đầu ngâm lần đầu tiên trong vòng 6 - 12 giờ sau khi lấy cục máu đông.

Hầu hết bệnh nhân sẽ cảm thấy cảm giác đau giảm nhiều sau khi lấy cục máu đông ra và chỉ cần sử dụng Acetaminophen (Paracetamol) hoặc Ibuprofen (Motrin) để giảm đau.

  • Sa trĩ nội:

Nếu trĩ nội sa ra ngoài và bạn không thể đẩy chúng vào hậu môn được, khi đó bác sĩ có thể cần phải làm nhỏ chúng lại. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể nhẹ nhàng đẩy chúng trở vào hậu môn được. Nếu búi trĩ sưng nhiều và không thể đẩy vào, bác sĩ có thể phải phẫu thuật để làm giảm sưng. Nếu búi trĩ vẫn sưng và bị mắc kẹt ngoài hậu môn và không được điều trị, chúng có thể thiếu máu nuôi và bị hoại tử. Trong trường hợp này, búi trĩ sẽ bị nhiễm trùng và vi trùng đi vào máu có thể làm bệnh của bạn nặng thêm.

Những phương pháp này chỉ gây tê không gây mê và bạn không cần phải nằm viện.

  • Chích xơ:

    • Áp dụng cho trĩ nội độ 1 hoặc 2. Chích vào búi trĩ những thuốc cầm máu, làm xơ teo các búi trĩ.

    • Nhược điểm:

      • Nếu chích quá nông có thể làm phù nề niêm mạc nhiều hơn vài ngày, sau có thể bị hoại tử, lở loét và chảy máu.

      • Nếu chích quá sâu vào lớp cơ, vài ngày sau có thể bị hoại tử và gây áp xe.

    • Có thể chích vài ba lần và cách nhau vài ngày.

  • Thắt trĩ:

    • Thường dùng cho trường hợp những búi trĩ nội còn tách biệt nhau và không dùng trong trĩ vòng.

    • Dùng một dây thun thắt ở gốc búi trĩ để búi trĩ thiếu máu nuôi dưỡng, hoại tử và rụng đi.

    • Sau mổ có thể đau. Đau gặp trong 10% các trường hợp. Đau thường chỉ trong vài ngày. Nếu đau kéo dài nhiều ngày thường là do huyết khối hay do lở loét lan rộng xuống đến vùng lược.

    • Chảy máu nặng rất ít gặp.

  • Làm lạnh hoặc chiếu tia hồng ngoại, laser vào búi trĩ:

    • Mục tiêu làm hoại tử búi trĩ.

    • Sau khi làm thủ thuật vào buổi chiều hoặc tối, bạn có thể bị đau, cần dùng thuốc giảm đau và một ít thuốc ngủ. Chỗ chiếu có thể bị phù nề, chảy nước kéo dài trong vài ngày. Sau chừng 1 tuần búi trĩ bị hoại tử và rụng ra. Sau 2 tuần vết hoại tử lành và chừng 3 tuần thì khỏi hẳn. Kết quả chỉ đạt 50%.

  • Phẫu thuật: Mục đích là lấy đi các búi trĩ. Có rất nhiều phương pháp được thực hiện hiện nay.

    • Phẫu thuật cổ điển:

      • Ưu điểm: triệt để

      • Nhược điểm: để lại những biến chứng rất nặng nề

        • Hẹp hậu môn: diễn tiến từ từ có thể kéo dài vài tháng đến vài năm. Hẹp hậu môn làm bệnh nhân rất khổ sở mỗi khi đi đại tiện. Đại tiện phải rặn rất nhiều và đau. Thường phải phẫu thuật lại làm rộng lỗ hậu môn. Phẫu thuật này thường rất phức tạp và nhiều khi không đưa lại kết quả. Kết quả trước mắt có thể tốt nhưng sau một thời gian có thể bị hẹp lại.

        • Đại tiện rất mất tự chủ: cách sửa chữa biến chứng này rất khó khăn.

        • Rỉ dịch ở hậu môn: quần bệnh nhân ẩm ướt rất khó chịu.

    • Phẫu thuật mới: Longo

      • Sử dụng trong trĩ độ 2, 3, 4 và trĩ vòng

      • Búi trĩ được lấy đi nhờ vào khâu vòng (Stapled hemorrhoidectomy) chỉ sử dụng một lần duy nhất trong mỗi lần phẫu thuật.

      • Ưu điểm: ít đau, bệnh nhân ra viện sớm.

      • Nhược điểm:

        • Khó khăn khi điều trị trĩ hỗn hợp.

        • Có nhiều mẩu da thừa.

        • Quá đắt tiền.

Các câu hỏi liên quan bệnh Trĩ