Tóm tắt bệnh Trào ngược dạ dày

Các tên gọi khác của bệnh này:

  • Gastroesophageal Reflux Disease
  • GERD
  • Trào ngược axít
  • Trào ngược dạ dày - thực quản

Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên của dịch dạ dày lên thực quản. Tính chất kích thích của các chất dịch trong dạ dày như HCl, pepsine, dịch mật… đối với niêm mạc thực quản, sẽ gây ra các triệu chứng và biến chứng. Các điều kiện sau đây làm tăng nguy cơ của trào ngược dạ dày - thực quản: uống rượu, béo phì, hút thuốc lá, mang thai, bệnh tiểu đường, và xơ cứng bì.

Triệu chứng

Cảm giác nóng rát trong họng và ngực, ợ nóng, vị đắng trong miệng, đau rát ở ngực, trào ngược thức ăn vào cổ họng, buồn nôn, ho mãn tính, khàn giọng.

Chẩn đoán

  • Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

  • Các xét nghiệm có thể được thực hiện để loại trừ các nguyên nhân khác của triệu chứng.

  • Nội soi đường tiêu hóa trên có thể được thực hiện để xem xét nguyên nhân kích thích thực quản.

  • Xét nghiệm máu toàn bộ (CBC), xét nghiệm bảng chuyển hóa toàn diện (CMP), chụp cắt lớp vi tính (CT Scan), xét nghiệm vi khuẩn H. Pylori. Có thể bổ sung: xét nghiệm D-dimer, điện tâm đồ (EKG), xét nghiệm Tronopin, nội soi đường tiêu hóa trên (EGD), chụp X-quang.

Điều trị

  • Bệnh nhân nên tránh hút thuốc, uống rượu hay cà phê hoặc nằm ngay sau khi ăn.

  • Điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và bao gồm: thuốc ức chế bơm Proton (Omeprazole/Prilosec, Pantoprazole/Protonix), thuốc chẹn H2 (Cimetidine/Tagamet, Ranitidine/Zantac), thuốc kháng axít, thuốc điều hòa vận động (Metoclopramide/ REGLAN).

  • Phẫu thuật có thể được khuyến khích cho các triệu chứng nghiêm trọng và dai dẳng.

Tổng quan bệnh Trào ngược dạ dày

Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản đã được y văn đề cập đến từ vài chục năm nay, nhưng ở Việt Nam, bệnh này chỉ mới được lưu ý từ vài năm trở lại đây. Một trong các nguyên nhân làm cho bệnh trào ngược dạ dày - thực quản chưa được quan tâm đúng mức ở nước ta do triệu chứng quan trọng nhất của bệnh này chưa được tầm soát kỹ, trong khi các triệu chứng khác lại rất dễ bị nhầm lẫn và thường được quy cho các bệnh khác như viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm thanh quản, viêm mũi xoang…

Vậy bệnh trào ngược dạ dày - thực quản là gì? Đó là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên của dịch dạ dày lên thực quản. Tính chất kích thích của các chất dịch trong dạ dày như HCl, pepsine, dịch mật… đối với niêm mạc thực quản, sẽ gây ra các triệu chứng và biến chứng.

Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản khá phổ biến ở các nước phương Tây với tần suất 15 - 30% dân số. Ở các nước châu Á tần suất dao động 5 - 15%.

Điều trị bệnh

Nhóm thuốc điều hoà vận động:

  • Metoclopramid (biệt dược Primperan, Anausin) viên 10mg. Tác dụng trung ương vào vùng lẩy cò và có tác dụng lên các lớp cơ ống tiêu hoá. Nó làm tăng vận động, thúc đẩy mở môn vị, dẫn đến làm vơi dạ dày, từ đó làm giảm trào ngược dạ dày - thực quản. Tác dụng phụ: gây buồn ngủ và tăng trương lực ngoại tháp.

  • Domperidon (biệt dược Motilium, Peridy): Đây là thuốc kháng Dopaminergic ngoại biên, nó cố định vào thụ thể D2 ngoại biên và không qua hàng rào máu não. Có tác dụng làm tăng áp lực cơ vòng đoạn dưới thực quản, do đó làm tăng vơi dạ dày dẫn đến làm giảm trào ngược. Thuốc chống chỉ định với chảy máu dạ dày ruột, tắc ruột, nguy cơ thủng ở ống tiêu hoá.

  • Sulpirid (biệt dược Dogmatil) viên 50mg, có tác dụng làm gia tăng trương lực đoạn dưới cơ vòng thực quản, nó cũng có tác dụng vào hệ thần kinh trung ương như các thuốc ngủ, do đó có tác dụng phụ là buồn ngủ, gây hội chứng ngoại tháp, chảy sữa, bất lực, vú phụ.

  • Metopimazin (biệt dược Vogalen). Đây là thuốc chống nôn kháng tiết Dopamin có tác dụng chọn lọc trên khu vực lẩy cò hoá học của não thất IV. Thuốc có tác dụng làm thay đổi vận động ống tiêu hoá nhưng không làm tăng vơi dạ dày, do đó nó không làm cản trở sự hấp thu tiêu hoá của các thuốc phối hợp.

  • Ngoài ra trong một số trường hợp đặc biệt, tuỳ theo tình trạng bệnh cảnh lâm sàng mà có thể dùng một số thuốc khác như Alizaprid (biệt dược Plitican), Anzemet (biệt dược Dolasetron), Zelmac. Nhóm thuốc làm giảm tác động có hại của trào ngược

  • Các thuốc tạo màng ngăn dạ dày - thực quản :

    • Alginat (biệt dược Gaviscon, Topaal): axít Alginic khi tiếp xúc với HCl sẽ tạo thành một lớp bọt nổi lên trên dịch vị. Trong trường hợp trào ngược nhờ lớp gel này sẽ bảo vệ cho niêm mạc thực quản khỏi bị tác động của axít dạ dày.

    • Dimeticol (gel Polysilan) là một chất bảo vệ niêm mạc tương tự như trên.

  • Nhóm thuốc có tác dụng bảo vệ niêm mạc: Sucralfat gắn với protein tạo hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày - thực quản chống lại các tác nhân từ dạ dày. Thường chỉ định Sucralfat trong các trường hợp bệnh trào ngược vừa đến nặng. Tránh dùng antacid hoặc kháng histamin H2 30 phút trước hoặc sau khi uống Sucralfat.

  • Ngoài ra còn sử dụng các thuốc kháng axít (Maalox, Phosphalugel...), thuốc kháng thụ thể H2 (như Cimetidin, Ranitidin, Nizatidin, Famotidin) hoặc thuốc ức chế bơm Proton (như Omeprazol, Lansoprazol, Pantoprazol, Rabeprazol, Esomeprazol) tuỳ theo tình trạng lâm sàng của bệnh nhân.

  • Hiện nay, việc điều trị với thuốc ức chế bơm Proton đạt thành công nhất, trong đó có khoảng nửa số bệnh nhân có thể duy trì sự thành công chỉ cần điều trị bằng thuốc ức chế bơm Proton cách ngày hoặc dùng một loại kháng thụ thể H2.

  • Đặc biệt, bên cạnh việc dùng thuốc thì việc duy trì chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý sẽ góp phần quan trọng trong việc điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản, mỗi bữa không nên ăn quá nhiều, nên ăn làm nhiều bữa (4 - 5 bữa mỗi ngày), mỗi bữa ăn ít một; không nên ăn chất lỏng, nên ăn đặc, khô; sau khi ăn không nên nằm nhiều, ngồi ở tư thế cúi ra phía trước... nằm ngủ ở tư thế đầu dốc cao.

  • Bỏ hẳn một số thức ăn làm giảm trương lực cơ vòng: Sôcôla, thuốc lá, cà phê, chất mỡ, nước khoáng có hơi. Ăn chậm, nhai nát kỹ, tránh nuốt hơi vào dạ dày; không được dùng một số thuốc làm giảm trương lực cơ vòng dưới thực quản như Estrogen, Progesteron, Anticholinergic, Barbituric, ức chế calci, Diazepam, Theophylin.

  • Chỉ phẫu thuật khi điều trị nội khoa không khỏi và khi có biến chứng nặng nề. Sai lầm hay mắc phải của người bệnh là tự ý mua thuốc về dùng, không theo chỉ định của bác sĩ. Cần phải hiểu rằng với mỗi người bệnh có tình trạng bệnh lý cụ thể khác nhau, người bệnh cần được thầy thuốc chuyên khoa khám và chỉ định điều trị thích hợp thì bệnh mới mau lành và hạn chế được các biến chứng nguy hiểm của bệnh và do dùng thuốc.

Các câu hỏi liên quan bệnh Trào ngược dạ dày