Tóm tắt bệnh Tràn khí màng phổi

Các tên gọi khác của bệnh này:

  • Pneumothorax

Tràn khí màng phổi là sự xuất hiện khí giữa lá thành và lá tạng của màng phổi làm xẹp phổi. Đây là một tình trạng rối loạn hô hấp khá phổ biến, có thể xảy ra trong nhiều bệnh cảnh lâm sàng khác nhau và gặp ở bất cứ lứa tuổi nào. Tràn khí màng phổi áp lực xảy ra khi bệnh nặng, sự tích tụ của không khí có thể gây sức ép lên các mạch máu và giảm lượng máu được đưa về tim. Nếu không được điều trị tràn khí màng phổi có thể dẫn đến tử vong. Nguyên nhân của căn bệnh này có thể là do chấn thương, viêm phế nang do virus hay khi ho ở bệnh nhân bị bệnh phổi như khí phế thũng...

Triệu chứng

Cơn đau ngực đột ngột dữ dội như dao đâm trở nên trầm trọng hơn khi thở sâu hoặc ho, khó thở, mệt mỏi, nhịp tim nhanh, da tím tái, huyết áp thấp.

Chẩn đoán

  • Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

  • Chụp X-quang có thể giúp xác định chẩn đoán.

  • Chụp cắt lớp vi tính có thể giúp xác định được thương tổn phổi ở dưới vùng tràn khí và giúp xác định nguyên nhân tràn khí.

  • Xét nghiệm máu toàn bộ (CBC), xét nghiệm bảng chuyển hóa toàn diện (CMP).

Điều trị

Điều trị bao gồm: thuốc giảm đau, thuốc ức chế ho, kháng sinh, thở ôxy qua sonde mũi nếu có suy hô hấp, hút khí màng phổi bằng bơm tiêm.

Tổng quan bệnh Tràn khí màng phổi

1. Định nghĩa:

Tràn khí màng phổi được Laennec mô tả từ năm 1819, đến 1888 Galliard mô tả rõ ràng hơn. Năm 1937, Sattler soi lồng ngực thấy bóng khí phế bị vỡ gây tràn khí màng phổi và sau đó người ta thấy các bóng khí, kén khí phổi vỡ vào màng phổi. Tràn khí màng phổi là tình trạng khí lọt vào giữa 2 lá màng phổi làm xẹp phổi, có tràn khí màng phổi hoàn toàn và không hoàn toàn.

2. Phân loại:

  • Tràn khí màng phổi nguyên phát

  • Tràn khí màng phổi thứ phát

  • Tràn khí màng phổi tự phát thường gặp ở người trẻ từ 20 - 30 tuổi, tỷ lệ nam/nữ là 4/1. Theo Salmeron (1995) thì tỷ lệ hàng năm của tràn khí màng phổi là 9/100.000 dân, tái phát >28%.

  • Khoảng 20% tràn khí màng phổi là biến chứng của các bệnh nhiễm trùng phổi.

  • Khoảng 40% tràn khí màng phổi do lao và 40% không rõ nguyên nhân.

  • 25% tràn khí màng phổi tái phát sau 2 năm, 50% tái phát sau 6 năm.

  • Thường tràn khí màng phổi gặp trong cơn hen nặng.

Điều trị bệnh

1. Điều trị hỗ trợ:

  • Nghỉ ngơi tại giường trong giai đoạn cấp, cho nằm tư thế Fowler nếu có suy hô hấp cấp.

  • Tránh lo âu, xúc động: Phải được yên tĩnh, có thể dùng thêm thuốc an thần như Seduxen hay Diazépam, Valium 5 mg x 1 - 2 viên/ngày, nhưng phải lưu ý bệnh nhân có suy hô hấp mãn.

  • Không làm việc gắng sức sau cơn cấp.

  • Ăn nhẹ dễ tiêu, ngưng hút thuốc.

2. Điều trị chung:

  • Giảm đau: Nếu đau nhiều, có thể dùng Paracetamol hay Acetamynophen 500 mg x 3-4 viên/ngày.

  • Giảm ho: Vì ho có thể làm đau ngực tăng lên hay làm khó thở. Dùng loại ức chế ho như: Paxeladin 3 viên/ngày (không ức chế trung tâm hô hấp).

  • Thở ôxy qua sonde mũi liều trung bình 2 - 3 lít/phút nếu có suy hô hấp, nhưng phải lưu ý loại tràn khí có van hay không có van.

  • Kháng sinh: Thường tràn khí màng phổi sẽ bị bội nhiễm do vi khuẩn từ không khí hay từ phế quản phổi vào màng phổi. Nên dùng kháng sinh đường toàn thân và loại có phổ khuẩn rộng như Cefalosporin III: 3 - 4g/24 giờ, tiêm bắp hay tĩnh mạch.

3. Điều trị tràn khí:

Mục đích là tránh suy hô hấp cấp vì xẹp phổi. Phương pháp chủ yếu là hút khí màng phổi bằng bơm tiêm, vị trí thường chọn là gian sườn II trên đường trung đòn. Tùy theo loại tràn khí mà có chỉ định khác nhau.

  • Tràn khí màng phổi đóng: Thông thường thì khí tự hấp thụ trở lại sau một thời gian, nếu 3 - 4 ngày sau mà lượng khí không giảm thì có thể dùng bơm tiêm lớn và kim để hút, không nên hút sớm, chỉ hút từ từ, lượng ít để tránh gây shock do thay đổi vị trí các tạng hoặc giảm áp đột ngột. Phải dẫn lưu màng phổi bằng Catheter với áp lực âm, đưa vào liên sườn II đường trung đòn hay liên sườn 4 - 5 ở đường nách trước, đưa ống thông về phía định phổi, hoặc dùng máy hút (-20 đến 40 cmH20). Sau 3 - 5 ngày thì kẹp ống thông lại: 24 - 48 giờ để xem tràn khí có trở lại hay không, theo dõi mạch, nhiệt, huyết áp và kiểm tra bằng Xquang để đánh giá.

  • Tràn khí màng phổi có van: Đây là một cấp cứu nội khoa nên phải tiến hành nhanh.

Nếu không có điều kiện thì dùng kim lớn chọc vào màng phổi ở vị trí đã nêu, nối với dây truyền Serum đưa vào một hình chứa NaCl 9‰, nhưng để dây truyền xuống 10 -15 cm.

Nếu được, dùng kim loại 14 - 16 giờ để chọc hút qua máy liên tục, áp lực hút -15 cmH2O.

4. Điều trị dự phòng tràn khí tái phát:

  • Có thể tìm thương tổn gây tràn khí màng phổi bằng phương pháp nội soi để xác định như mổ kén khí, bịt lỗ thủng lá tạng...

  • Làm dày dính màng phổi bằng keo sinh học.

5. Điều trị nguyên nhân gây tràn khí màng phổi:

Ở Việt Nam, nguyên nhân thường gặp nhất là do lao, ngoài ra do nhiễm trùng, siêu vi và một số yếu tố khác, do đó phải xác định nguyên nhân để điều trị nhằm tránh tràn khí màng phổi tái phát hay nặng lên.

Lưu ý: Tránh các yếu tố nguy cơ như gắng sức, stress, ho mạch, hút thuốc lá.

6. Điều trị ngoại khoa:

Chỉ định điều trị ngoại khoa khi có các trường hợp sau:

  • Tràn khí - tràn máu màng phổi do chấn thương.

  • Tràn khí - mủ do vỡ áp xe phổi hay do lao.

  • Tràn khí màng phổi do chấn thương ngực (chấn thương hở, gãy xương sườn, dị vật...).

Các câu hỏi liên quan bệnh Tràn khí màng phổi