Tóm tắt bệnh Tiểu đêm

Tiểu đêm thường gặp ở cả người trẻ lẫn người cao tuổi, gây nhiều tác hại như mất ngủ, mệt mỏi, suy nhược cơ thể và ảnh hưởng đến chất lượng sống. Nguyên nhân dẫn đến tiểu đêm gồm nguyên nhân bệnh lý (phì đại tuyến tiền liệt, suy thận mạn tính, chèn ép tủy, xơ cứng rải rác, hội chứng chèn ép tủy sống, bệnh Parkinson…) và tình trạng rối loạn không do bệnh lý (chế độ ăn uống nhiều nước, ăn canh vào buổi tối, uống rượu, bia, cà phê, trà vào buổi tối…).

Triệu chứng

Đi tiểu nhiều hơn một lần vào ban đêm.

Chẩn đoán

  • Hỏi bệnh sử.

  • Xét nghiệm nước tiểu có thể cần thiết.

Điều trị

Hạn chế uống nước trước khi đi ngủ; thay đổi giờ uống thuốc lợi tiểu; mang tất bó mắt cá chân bị phù; nằm nghỉ với chân gác cao vào buổi chiều trong một vài giờ; sử dụng thuốc để giảm lượng nước tiểu tiết ra vào ban đêm, thuốc an thần dùng cho người tiểu đêm do mất ngủ.

Tổng quan bệnh Tiểu đêm

Định nghĩa

Dù có tác động rất lớn, gây phiền phức và có những hậu quả quan trọng đến sức khỏe, tiểu đêm được mô tả không rõ ràng và xử trí không thích hợp.

Tỷ lệ mắc trong dân số

Do các định nghĩa về tiểu đêm hay thay đổi nên khó xác định chính xác tỷ lệ mắc trong dân số.

Tỷ lệ này được ghi nhận là 58% ở nam và 66% ở nữ trong lứa tuổi 50-59 và 72% ở nam, 91% ở nữ lứa tuổi trên 80 (Middelkoop, Smilde-van den Doel, Neven, Kamphuisen, & Springer, 1996). Gần đây hơn, trong một thăm dò qua điện thoại 5.204 người trong cộng đồng, tuổi trung bình 45,8 tuổi, 31% ghi nhận có tiểu đêm ít nhất 1 lần, và 14,2% ghi nhận có tiểu đêm ít nhất 2 lần (Coyne và cộng sự, 2003).

Các khảo sát ở Nhật Bản và Áo, trong đó tiểu đêm được định nghĩa là tiểu từ 2 lần trở lên mỗi đêm, phát hiện tiểu đêm có tỷ lệ lần lượt là 28,5% và 11,3% (Schatzl và cộng sự, 2000; Yoshimura và cộng sự, 2004).

Tiểu đêm có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân. Các nguyên nhân này có thể chia thành 4 loại (Paula Laureanno 2010):

  • Đa niệu

  • Đa niệu về đêm

  • Những vấn đề liên quan đến bàng quang

  • Tiểu đêm hỗn hợp

Điều trị bệnh

Một số cách điều trị có thể được đề nghị như:

  • Bớt uống những thứ có cafein và rượu bia, chủ yếu trước lúc đi ngủ về đêm;

  • Kiểm tra giờ uống thuốc lợi tiểu;

  • Mang tất bó mắt cá chân bị phù;

  • Nằm nghỉ với chân gác lên cao vào buổi chiều, trong một vài giờ;

  • Để đèn chiếu sáng lối đi đến phòng vệ sinh (chẳng hạn như đèn đêm);

  • Đặt ghế bô hoặc một xô có màu sáng sát giường để tiện sử dụng.

  • Bác sĩ có thể kê đơn cho bạn sử dụng thuốc xịt mũi hoặc thuốc để giảm lượng nước tiểu tiết ra vào ban đêm. Bác sĩ cũng có thể giới thiệu bạn đi gặp bác sĩ chuyên khoa để bàn về các cách điều trị khác, có thể là thuốc trị tật tiểu đêm hoặc trị nguyên nhân gây ra vấn đề.

  • Một số nhân viên y tế bạn có thể được giới thiệu tới gặp, có thể gồm chuyên viên vật lý trị liệu về chứng đại tiểu tiện không tự chủ, y tá cố vấn chứng đại tiểu tiện không tự chủ, bác sĩ chuyên khoa tiết niệu hoặc bác sĩ chuyên khoa thận.

Các thuốc dùng trong bệnh tiểu đêm

Nguyên tắc chung là phát hiện và điều trị các bệnh lý nội khoa gây ra tình trạng đa niệu, thay đổi một số lối sống và dùng một số thuốc chữa triệu chứng. Các thuốc thường dùng là:

  • Các Antimuscarinic

Bao gồm các chất kháng thụ thể Muscarinicacetycholin (MAR) ngăn chặn hoạt động dẫn truyền thần kinh của Acetylcholin. Tùy theo chất mà hiệu lực chữa bệnh và tác dụng phụ có khác nhau, nên lựa chọn dùng trong từng bệnh cụ thể. Trong chứng tiểu đêm thường dùng 3 chất:

    • Solifenacin (Vasiare): Thuốc có tác dụng ngăn chặn Acetylcholin mà Solifenacin làm giảm nhịp điệu co cơ bàng quang, cho phép bàng quang giữ lại một khối lượng lớn nước tiểu, do đó được dùng trong tình trạng bàng quang hoạt động quá mức, tình trạng tiểu khẩn cấp (thôi thúc), tiểu không kiểm soát được (rò rỉ). Solifenacin chuyển hóa bởi Enzym Cytochrom P450 (CYP 3A4), khi dùng chung với các thuốc ức chế Enzym này như Ketoconazol thì Solifenacin bị giảm sự thải trừ, tăng nồng độ trong máu nên phải giảm liều dùng. Đặc biệt, Solifenacin làm kéo dài quãng QT trên điện tâm đồ, có tiềm năng gây ra xoắn đỉnh nên không được dùng chung với các thuốc có tiềm năng gây ra hiệu ứng này như Moxifloxavin, Pimozid.

    • Oxybutynin (ditropan): Có cơ chế và chỉ định giống solifenacin. Khi dùng thường gặp một số tác dụng phụ như nóng, khô da, khát cùng cực; đau dạ dày nặng, táo bón; nóng rát lúc đi tiểu; đi tiểu ít hơn bình thường hay không đi tiểu; mờ mắt. Nhìn chung ít độc hơn solifenacin.

    • Darifenacin (enablex, emselex): Làm giảm sự co cơ trơn của bàng quang, dùng cho trạng thái tiểu khẩn cấp (thôi thúc), tiểu không kiểm soát được (rò rỉ), vẫn dùng trong trạng thái bàng quang hoạt động quá mức song chưa biết chắc chắn là có hiệu lực trong trạng thái này không.

Không nên dùng các thuốc trên cho người mẫn cảm với thuốc (riêng darifenacin có thể gây dị ứng nặng phát ban, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi, họng); không dùng cho những người bàng quang và đường niệu có cản trở cơ học, tăng nhãn áp, bị phì đại tuyến tiền liệt, tắc nghẽn dạ dày ruột, trào ngược dạ dày thực quản (GERD), tiêu hóa chậm, viêm loét đại tràng, nhược cơ, có bệnh gan thận.

  • Các thuốc chẹn alpha-1

Thuốc chẹn alpha-1 được dùng cho người rối loạn tiểu do phì đại lành tính tuyến tiền liệt. Trong bệnh này có 60% thành phần mô tăng sinh là tế bào cơ trơn và mô liên kết. Các thụ thể alpha-1 nằm trong các cơ trơn tuyến tiền liệt bị kích thích thì trương lực cơ tăng, gây rối loạn tiểu. Chẹn alpha-1 ngăn chặn sự tăng trương lực cơ, giúp cổ bàng quang mở ra dễ dàng, cải thiện các triệu chứng có liên quan đến chức năng tống xuất nước tiểu của bàng quang, cải thiện rối loạn tiểu, làm cho người bệnh dễ chịu. Thường dùng là indoramin, prazosin, terazosin, doxazosin, tamsulosin.

Tùy theo loại mà có khoảng 10% người dùng chẹn alpha-1 có thể bị một hay một số các chứng mệt mỏi, hoa mắt, khô miệng, chảy máu cam, buồn nôn nhưng nhẹ.

Chẹn alpha-1 gây hạ huyết áp tư thế đứng, gây ù tai, chóng mặt, mệt mỏi, xung huyết mũi, rối loạn xuất tinh. Không dùng thuốc này cho người bị bệnh suy tim xung huyết. Một số thuốc gây ngủ gà nhiều (indoramin) hay giảm huyết áp tư thế đứng mạnh (prazosin, terazosin), không dùng thuốc khi vận hành máy (ít nhất là 12 giờ). Riêng doxazosin làm giảm triglycerid, giảm cholesterol tốt (HDL-C), tăng cholesterol xấu (LDL- C) cần thận trọng với người có rối loạn lipid - máu. Không dùng cho người có thai, cho con bú vì không an toàn và thiếu thông tin.

  • Các loại thuốc an thần

Dùng cho người tiểu đêm do mất ngủ. Người thường thức dậy giữa đêm khó ngủ lại chỉ cần dùng loại thuốc ngủ tác dụng ngắn. 

Các câu hỏi liên quan bệnh Tiểu đêm