Tóm tắt bệnh Tiền sản giật

Các tên gọi khác của bệnh này:

  • Nhiễm độc thai nghén

Tiền sản giật (nhiễm độc thai nghén) là một tình trạng của thai kỳ được đánh dấu bởi huyết áp cao, protein trong nước tiểu, sưng bàn chân và bàn tay. Tiền sản giật và sản giật được nhìn thấy sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Các nguyên nhân sau đây làm tăng nguy cơ bị tiền sản giật và sản giật: mang thai vị thành niên, tiền sử đã bị tiền sản giật, bệnh béo phì, mang đa thai, có huyết áp cao, tuổi lớn hơn 35. Tình trạng này là rất nghiêm trọng và cần phải điều trị ngay lập tức.

Triệu chứng

Nhức đầu, đau bụng trên, mờ mắt, buồn nôn, nôn mửa, chân và tay sưng tấy, tăng cân đột ngột.

Chẩn đoán

  • Hỏi bệnh sử và khám thực thể, thường xuyên theo dõi huyết áp.

  • Nước tiểu được kiểm tra protein.

  • Xét nghiệm máu và nước tiểu được thực hiện để xác định nồng độ axit Uric cao hay không, kiểm tra bệnh nhân có hiện tượng giảm tiểu cầu và mắc bệnh thận hay không.

  • Xét nghiệm máu toàn bộ (CBC), xét nghiệm bảng chuyển hóa toàn diện (CMP), siêu âm, xét nghiệm nước tiểu. Có thể cần xét nghiệm nồng độ axit Uric.

Điều trị

Điều trị bao gồm: tiêm Magnesium tĩnh mạch, thuốc kiểm soát huyết áp (Hydralazine, Labetalol), và các loại thuốc có thể chống động thai.

Tổng quan bệnh Tiền sản giật

Tiền sản giật - sản giật là hai thuật ngữ mô tả bệnh lý trong thai kỳ xảy ra bởi huyết áp tăng cao, nước tiểu có đạm và phù. Đây là một trong 5 tai biến sản khoa gây ra biến chứng tử vong mẹ và con với tỉ lệ cao. Chủ trương của ngành Y tế là tích cực phòng chống sản giật bằng cách quản lý thai tốt, qua đó phát hiện những triệu chứng của tiền sản giật để điều trị sớm, nhờ vậy sẽ không chuyển biến sang sản giật.

Điều trị bệnh

  • Tiền sản giật mức độ nhẹ: Tiền sản giật nhẹ và tuổi thai dưới 36 tuần không nhất thiết phải điều trị. Bạn có thể được khuyên nên nghỉ ngơi tại nhà, thường xuyên theo dõi huyết áp, đảm bảo huyết áp không được tăng cao, theo dõi chặt chẽ chức năng thận, theo dõi sát sức khỏe thai nhi. Một số phụ nữ sẽ phải theo dõi trong bệnh viện và có chế độ nghỉ ngơi đặc biệt, có thể điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, điều này không thể ngăn ngừa được tiền sản giật mà chỉ có thể giúp kiểm soát bệnh.

  • Tiền sản giật mức độ nặng: Nếu thai phụ được chẩn đoán bị tiền sản giật nặng, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn nằm nghỉ ngơi tuyệt đối trên giường hoặc nhập viện. Bác sĩ sẽ chỉ định kiểm tra huyết áp hàng ngày và siêu âm thường xuyên để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Nếu thai nhi đủ trưởng thành (hơn 36 tuần) thì thúc sinh hoặc sinh mổ được khuyến khích. Trước khi chuyển dạ, người mẹ có thể phải tiêm Corticoid để giúp phổi của bào thai trưởng thành. Trong trường hợp hiếm, tiền sản giật nặng phát triển trước tuổi thai 24 tuần thì phải yêu cầu chấm dứt thai kỳ để cứu mẹ. Nếu sản giật phát triển, người mẹ có thể được cho thuốc hạ huyết áp và thuốc chống co giật để ngăn chặn cơn động kinh. Mổ lấy thai khẩn cấp sau đó.

  • Thuốc điều trị:

    • Dùng thuốc hạ áp như: Trandate, Adalat Retard hay Aldomet. Duy trì huyết áp 130/80 - 140/90mmHg.

    • Ngừa co giật bằng Magnesium sulfate bằng đường tiêm tĩnh mạch và truyền tĩnh mạch để duy trì.

  • Đánh giá sức khỏe thai, độ trưởng thành thai. Thai chưa đủ trưởng thành có thể dùng Corticoid giúp cho phổi thai nhi có đủ khả năng thích nghi với vai trò sống tự lập của bé khi chào đời.

  • Ngoài ra, việc chăm sóc toàn diện cũng rất quan trọng, dinh dưỡng đầy đủ, phòng nằm yên tĩnh, ánh sáng dịu và theo dõi sinh hiệu, lượng nước xuất nhập.

  • Trường hợp sản giật, vừa hồi sức vừa cắt cơn co giật và lấy thai ra ngay để đồng thời cứu mẹ và thai nhi cần có sự hỗ trợ chặt chẽ của đơn vị đơn nguyên sơ sinh và gây mê hồi sức, cùng với đội ngũ y bác sĩ tích cực chăm sóc tốt.

  • Quản lý thai nghén tốt, phát hiện và điều trị tích cực các trường hợp tiền sản giật là cách tốt nhất để ngăn chặn bệnh tiến triển thành sản giật, hạn chế tai biến nặng cho cả mẹ và thai nhi.

Các câu hỏi liên quan bệnh Tiền sản giật