Tóm tắt bệnh Suy dinh dưỡng

Các tên gọi khác của bệnh này:

  • Suy dinh dưỡng protein – năng lượng
  • Malnutrition

Suy dinh dưỡng là kết quả của chế độ ăn uống không đúng hoặc không đầy đủ. Suy dinh dưỡng có ba thể: Thể nhẹ cân, thể thấp còi và thể gầy còm.

Các nguyên nhân chủ yếu là do không đủ ăn, kém hấp thu thức ăn, hoặc mất quá nhiều chất dinh dưỡng. Trong một số trường hợp suy dinh dưỡng gây tổn thương vĩnh viễn cho các cơ quan của cơ thể.

Triệu chứng

Mệt mỏi, chóng mặt, giảm cân, giảm đáp ứng miễn dịch, rụng tóc, giảm khối lượng cơ và sức mạnh, thiếu máu.

Chẩn đoán

  • Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

  • Việc khám bệnh chủ yếu bao gồm sự đánh giá về chế độ dinh dưỡng và làm xét nghiệm máu.

  • Xét nghiệm máu toàn bộ (CBC), xét nghiệm bảng chuyển hóa toàn diện (CMP), xét nghiệm nước tiểu.

Điều trị

Điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng nhưng có thể bao gồm:

  • Truyền dịch.

  • Bổ sung các chất dinh dưỡng.

  • Chăm sóc y tế cơ bản.

Tổng quan bệnh Suy dinh dưỡng

Trong ngành dinh dưỡng học, thuật ngữ ‘Suy dinh dưỡng protein - năng lượng (Severe protein - Energy malnutrition - PEM) để chỉ các thể lâm sàng điển hình từ suy dinh dưỡng thể phù (Kwashiorkor) đến thể teo đét (Marasmus). Ngày nay, người ta cho rằng đây là một tình trạng bệnh lý do thiếu nhiều chất dinh dưỡng hơn là thiếu protein và năng lượng đơn thuần.

3 thể của bệnh suy dinh dưỡng:

  • Thể nhẹ cân:

    Nhẹ cân chỉ là một đặc tính chung của thiếu dinh dưỡng nhưng không cho biết cụ thể đó là loại suy dinh dưỡng vừa mới xảy ra hay đã tích lũy từ lâu. Tuy nhiên, theo dõi cân nặng là việc tương đối dễ thực hiện ở cộng đồng hơn cả, do đó tỷ lệ thiếu cân theo tuổi vẫn được thông dụng như là tỷ lệ chung của thiếu dinh dưỡng. Nhìn chung trên phạm vi toàn cầu, sự dao động của tỷ lệ cân nặng/tuổi thấp và sự phân bố theo lớp tuổi của nó tương tự như ở chiều cao/tuổi.
  • Thể thấp còi:

    Chiều cao theo tuổi thấp phản ảnh sự chậm tăng trưởng do điều kiện dinh dưỡng và sức khỏe không hợp lý. Đây là một chỉ tiêu tốt để đánh giá sự cải thiện điều kiện kinh tế xã hội. Thường thường ở các nước đang phát triển, tỷ lệ thấp còi tăng nhanh sau 3 tháng tuổi, đến 3 tuổi tỷ lệ này ổn định sau đó chiều cao trung bình đi song song với chiều cao tương ứng ở quần thể tham khảo.
  • Thể gầy còm:

    Cân nặng theo chiều cao thấp thường phản ảnh một tình trạng thiếu ăn gần đây nhưng cũng có thể lâu hơn. Ở các nước nghèo, nếu không có tình trạng khan hiếm thực phẩm thì tỷ lệ này thường dưới 5%, nếu tỷ lệ này ở mức 10 - 14% là cao và ở trên 15% là rất cao. Tình trạng chung là suy dinh dưỡng cân nặng/chiều cao thường chiếm tỷ lệ cao nhất ở trẻ 2 tuổi.

Điều trị bệnh

  • Điều trị các tình trạng cấp: Mất nước hay phù toàn thân, rối loạn điện giải, suy tim cấp, nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng...vv.

  • Bổ sung các dưỡng chất quan trọng với liều điều trị: Vitamin A, sắt, axit folic, đa sinh tố.

  • Dinh dưỡng điều trị tích cực: Cho ăn càng sớm càng tốt và nhanh chóng nâng khẩu phần dinh dưỡng lên mức tối đa phù hợp với khả năng tiêu hoá hấp thu của trẻ, sử dụng các thực phẩm giàu năng lượng, các chế phẩm dinh dưỡng đặc biệt, nếu cần phải sử dụng thêm các loại men hỗ trợ tiêu hoá. Trong trường hợp suy dinh dưỡng rất nặng cần đặt vấn đề nuôi ăn bằng các phương tiện hỗ trợ như nuôi ăn qua sonde dạ dày, nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch một phần…

Các câu hỏi liên quan bệnh Suy dinh dưỡng