Tóm tắt bệnh Sa sinh dục

Các tên gọi khác của bệnh này:

  • Sa tử cung
  • Sa dạ con
  • Prolapsed uterus

Sa sinh dục còn gọi là sa tử cung, nhưng gọi sa sinh dục thì đúng hơn, vì trong nhiều trường hợp không những chỉ sa tử cung, mà còn sa cả thành trước âm đạo kèm theo có sa bàng quang và sa cả thành sau âm đạo kèm theo trực tràng. Bệnh thường gặp ở những người chửa đẻ nhiều, đẻ quá sớm, quá dày và những lần đẻ trước không không được đỡ đẻ an toàn, đúng kỹ thuật.

Triệu chứng

Triệu chứng tuỳ thuộc vào mức độ của bệnh. Triệu chứng thường là khó chịu, nặng bụng dưới, đái rắt, đái són, đái không tự chủ, có khi đại tiện khó.

Chẩn đoán

  • Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

  • Chẩn đoán chủ yếu dựa trên khám lâm sàng.

  • Xét nghiệm phiến đồ cổ tử cung: loại trừ tổn thương ác tính cổ tử cung.

  • Thăm dò niệu động học: khảo sát tình trạng són tiểu.

Điều trị

Đối với những trường hợp sa sinh dục ở mức độ nhẹ thì có thể điều trị nội khoa với các biện pháp: thể dục liệu pháp, đeo dụng cụ đỡ tử cung chất dẻo, dùng Estrogrn, ngâm tầng sinh môn và khối sa sinh dục hàng ngày trong dung dịch sát trùng... Trong trường hợp nặng hơn có thể cần phẫu thuật.

Tổng quan bệnh Sa sinh dục

Sa sinh dục còn gọi là sa tử cung, nhưng gọi sa sinh dục thì đúng hơn, vì trong nhiều trường hợp không những chỉ sa tử cung, mà còn sa cả thành trước âm đạo kèm theo có sa bàng quang và sa cả thành sau âm đạo kèm theo trực tràng.

Sa sinh dục là một bệnh khá phổ biến ở phụ nữ Việt nam, nhất là phụ nữ ở nông thôn, trong lứa tuổi từ 40 - 50 trở lên chiếm khoảng 5 - 8%. Đây là bệnh không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, lao động của phụ nữ. Bệnh thường gặp ở những người chửa đẻ nhiều, đẻ quá sớm, quá dày và những lần đẻ trước không không được đỡ đẻ an toàn, đúng kỹ thuật.

Điều trị bệnh

1. Điều trị nội khoa

  • Chỉ định:

    • Với sa sinh dục độ I.

    • Sa độ II, III nhưng bệnh nhân quá già, hoặc có bệnh toàn thân chống chỉ định phẫu thuật, hoặc bệnh nhân quá trẻ.

  • Cách điều trị:

    • Cho đeo dụng cụ đỡ tử cung bằng chất dẻo (Pessarium).

    • Dùng Estrogen tác dụng đơn thuần ở âm đạo.

    • Thể dục liệu pháp.

    • Ngâm tầng sinh môn và khối sa sinh dục hàng ngày trong các dung dịch sát trùng, nước chè xanh, nước sắc lá trầu không có tác dụng làm săn se niêm mạc âm đạo, chống viêm.

    • Điều trị các biến chứng nếu có.

2. Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật là phương pháp chủ yếu trong điều trị sa sinh dục.

  • Chỉ định: Sa sinh dục độ II và độ III, nghĩa là những trường hợp sa sinh dục có triệu chứng cơ năng mới cần phẫu thuật.

  • Trước phẫu thuật cần đánh giá đầy đủ các yếu tố sau:

    • Tuổi, thể trạng và các bệnh lý toàn thân:

      • Bệnh nhân sa sinh dục thường cao tuổi nên thể trạng thường không tốt, có thể quá béo, quá gầy; có thể có các bệnh toàn thân như thiếu máu, bệnh tim mạch, hô hấp, huyết áp cao, tiểu đường… Đôi khi các yếu tố này sẽ là yếu tố chống chỉ định mổ hoặc cần điều trị trước khi mổ.

      • Không nên mổ cho những bệnh nhân quá trẻ hoặc quá già, trừ khi sa quá nhiều và thể trạng cho phép.

    • Mức độ sa sinh dục.

    • Ảnh hưởng của sa sinh dục đến các cơ quan lân cận: tình trạng sa bàng quang, sa trực tràng; rối loạn tiểu tiện, đại tiện?

    • Tình trạng âm đạo, cổ tử cung bình thường hay viêm nhiễm. Nếu có viêm cổ tử cung, âm đạo cần đặt thuốc và vệ sinh hàng ngày trước mổ.

    • Tử cung, hai phần phụ có u cục không?

    • Bụng có vết mổ cũ không? Tiên lượng mức độ dính vùng tiểu khung?

    • Bệnh nhân còn nhu cầu sinh đẻ không? Còn quan hệ tình dục không?

    • Điều kiện trang bị của cơ sở y tế và trình độ phẫu thuật viên.

Lưu ý: Cần khám phát hiện các bệnh lý toàn thân như bệnh tim, phổi mãn tính, huyết áp cao… để điều trị nội khoa ổn định trước khi phẫu thuật sa sinh dục.

Các câu hỏi liên quan bệnh Sa sinh dục