Tóm tắt bệnh Phù bạch huyết

Các tên gọi khác của bệnh này:

  • Tắc nghẽn bạch huyết
  • Lymphatic obstruction

Phù bạch huyết là sự tập trung dịch bạch huyết ở một bộ phận của cơ thể. Bình thường, dịch bạch huyết lưu thông qua một hệ thống mạch giữa các hạch bạch huyết và cuối cùng trở về máu. Dịch bạch huyết chống lại nhiễm trùng và loại bỏ dị vật ra khỏi da và mô. Sự tắc nghẽn dòng chảy bình thường của dịch bạch huyết gây phù bạch huyết. Nguyên nhân của tình trạng này thường là do phẫu thuật, ung thư, mắc bệnh lây nhiễm và xạ trị. Bệnh nhân bị phù bạch huyết có nguy cơ nhiễm trùng tại phần cơ thể bị ảnh hưởng.

Triệu chứng

Các triệu chứng bao gồm sưng một bộ phận cơ thể, thường là cánh tay hoặc chân. Có thể đau âm ỉ hoặc đau thắt ở phần cơ thể bị ảnh hưởng. Khi bệnh nặng, các chi bị ảnh hưởng có thể chảy dịch.

Chẩn đoán

  • Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

  • Xét nghiệm máu, bảng chuyển hóa toàn diện (CMP) và chẩn đoán hình ảnh (CT Scan, siêu âm) có thể được thực hiện để chẩn đoán phù bạch huyết.

Điều trị

Điều trị nhằm mục đích giảm hiện tượng phù bạch huyết ở bộ phận bị ảnh hưởng. Bệnh nhân thường được chỉ định phải nâng cao chân, có chế độ ăn ít muối, mang vớ (tất) nén. Massage phần cơ thể bị ảnh hưởng có thể có tác dụng tốt.

Tổng quan bệnh Phù bạch huyết

Sưng phù bạch huyết thường xảy ra ở một đoạn chi như cánh tay hoặc cẳng chân, nhưng cũng có thể phù cả tứ chi, do sự tắc nghẽn trong hệ thống bạch huyết gây ra.

Phù bạch huyết có thể do bẩm sinh (tiên phát) hoặc mắc phải (thứ phát).

  • Phù bạch huyết tiên phát là một bệnh di truyền chiếm khoảng 0,6% trên số trẻ sinh sống. Nguyên nhân do các mạch bạch huyết bị thiếu hoặc không hoạt động, tổn thương có thể ảnh hưởng tới tứ chi, các phần khác của cơ thể, kể cả các cơ quan nội tạng. Bệnh có thể xuất hiện ngay khi mới sinh, ở độ tuổi dậy thì hay khi đã trưởng thành.

  • Phù bạch huyết thứ phát là phù bạch huyết gây ra bởi một bệnh khác. Thể bệnh này phổ biến cả ở trẻ nhỏ và người lớn. Bệnh có thể gây ra bởi một chấn thương, khi bị viêm nhiễm hay sau cuộc phẫu thuật làm ảnh hưởng đến dòng chảy của bạch huyết hoặc do phẫu thuật phải loại bỏ một hay nhiều hạch bạch huyết.

Điều trị bệnh

Cho đến nay vẫn chưa có phương pháp đặc hiệu để chữa phù bạch huyết. Điều trị chủ yếu là giảm sưng và kiểm soát các cơn đau.

  • Bệnh nhân cần thực hiện các bài tập để vận động cánh tay hoặc chân bị phù nhằm cải thiện sự lưu thông dịch bạch huyết trong vùng chi bệnh. Những bài tập này chỉ nên vừa sức đối với từng bệnh nhân, tránh sự gắng sức hoặc gây mệt mỏi.

  • Dùng phương pháp quấn băng quanh vùng chi bệnh để cho dịch bạch huyết chảy ngược lại phần chi lành để giảm sưng căng cho vùng chi bệnh. Kỹ thuật massage cũng hay được sử dụng để làm tăng tốc độ lưu thông dịch bạch huyết giúp giảm sưng đau ở chi bệnh. Tuy nhiên, cần tránh xoa bóp nếu có một nhiễm khuẩn ở da.

  • Phương pháp dùng khí nén: Bệnh nhân được mặc một áo chuyên dụng trên cánh tay hoặc chân bị bệnh nối với một máy bơm tạo áp lực ép chi bệnh nhằm đẩy dịch bạch huyết di chuyển khỏi vùng bệnh giúp giảm sưng đau. Tuy nhiên, biện pháp này không dùng cho người tăng huyết áp, tiểu đường, tê liệt, suy tim, đông máu hoặc nhiễm khuẩn cấp tính.

  • Các trường hợp phù bạch huyết trầm trọng có thể phải phẫu thuật cắt bỏ mô dư thừa trong cánh tay hoặc chân để giảm sưng nặng.

Các câu hỏi liên quan bệnh Phù bạch huyết