Tóm tắt bệnh Hoa mắt chóng mặt

Chóng mặt là một triệu chứng phổ biến, thường không phải là dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng nhưng cần được kiểm tra. Chóng mặt có các mức độ khác nhau, từ chóng mặt nhẹ, mất thăng bằng đến cảm thấy mọi vật xung quanh quay cuồng. Do triệu chứng khá mơ hồ nên nếu chỉ dựa vào triệu chứng đơn lẻ thì không dễ để xác định nguyên nhân. Điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ của triệu chứng, điều trị thường có hiệu quả nhưng tình trạng này có thể tái phát.

Triệu chứng

Đầu óc quay cuồng, cảm giác ngột ngạt, mất thăng bằng, đứng không vững, váng vất. Cần đến gặp bác sĩ ngay khi có những triệu chứng sau: buồn nôn, nôn mửa liên tục, đau đầu đột ngột hoặc nghiêm trọng, đau ngực, nhịp tim không đều, tê hoặc yếu, khó thở, sốt cao, cứng cổ, co giật.

Chẩn đoán

  • Hỏi bệnh sử và khám thực thể.

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan), chụp cộng hưởng từ (MRI) đầu.

  • Kiểm tra thính giác và khả năng giữ thăng bằng.

  • Kiểm tra chuyển động mắt, chuyển động đầu.

  • Thử nghiệm Posturography.

  • Thử nghiệm ghế Rotary.

  • Xét nghiệm máu, các xét nghiệm kiểm tra sức khỏe của tim và mạch máu.

Điều trị

  • Chóng mặt thông thường không cần điều trị. Điều trị căn cứ vào nguyên nhân và mức độ chóng mặt, có thể bao gồm thuốc và các liệu pháp cân bằng.

  • Nếu bạn có bệnh Meniere, thuốc lợi tiểu được bác sĩ kê toa cùng với chế độ ăn ít muối có thể giúp giảm chóng mặt.

  • Thuốc kháng Histamin như Meclizine (Antivert) có thể làm hết cơn chóng mặt ngắn.

  • Thuốc kháng Cholinergic giúp giảm chóng mặt.

  • Thuốc chống buồn nôn.

  • Thuốc chống lo âu Diazepam (Valium) và Alprazolam (Xanax), tuy nhiên thuốc được bọc ngoài bởi Benzodiazepine, có thể gây nghiện và gây buồn ngủ.

  • Vật lý trị liệu phục hồi chức năng tiền đình cho những người bị chóng mặt do viêm dây thần kinh tiền đình.

  • Tâm lý trị liệu cho trường hợp chóng mặt do rối loạn lo âu.

  • Tiêm kháng sinh Gentamicin nếu chóng mặt do bệnh của tai trong.

  • Phẫu thuật.

Tổng quan bệnh Hoa mắt chóng mặt

Xây xẩm, choáng váng là thuật ngữ y học mô tả 2 cảm giác khác nhau. Đó là cảm giác chóng mặt và cảm giác hoa mắt. Biểu hiện này có rất nhiều nguyên nhân, không đơn thuần là thiếu máu.

1. Hoa mắt

Hoa mắt là cảm giác mà người bệnh cảm thấy họ sắp té xỉu. Hoa mắt thông thường sẽ được cải thiện hoặc biến mất khi bệnh nhân được nằm nghỉ ngơi. Nếu bệnh trầm trọng hơn có thể dẫn đến bất tỉnh. Bệnh nhân đôi khi có cảm giác buồn nôn rồi sau đó là ói mửa.

Hoa mắt, đầu óc quay cuồng thường do giảm huyết áp và lưu lượng máu tới não một cách đột ngột, gây ra bởi việc thay đổi tư thế một cách đột ngột, chẳng hạn từ tư thế ngồi, nằm chuyển sang đứng. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như dị ứng, cảm cúm, sau khi ói mửa, tiêu chảy, sốt, cơ thể bị mất nước, thở sâu và nhanh, căng thẳng, lo âu, sử dụng thuốc lá, rượu bia và các loại thuốc gây ảo giác...

Một nguyên nhân quan trọng nữa là mất máu. Sự mất máu nếu có thể nhìn thấyđược sẽ giúp chúng ta can thiệp tức thời để cầm máu nhưng có những trường hợp chúng ta không thể phát hiện được. Chẳng hạn như xuất huyết đường tiêu hóa nhiều ngày mà bệnh nhân không biết. Mất máu nhiều trong kỳ kinh cũng gây hiện tượng hoa mắt.

Một nguyên nhân gây hoa mắt tuy ít nhưng vẫn xảy ra đó là những bệnh nhân có nhịp tim bất thường có thể dẫn tới bất tỉnh.

Vì vậy, những trường hợp không thể giải thích được cần phải được bác sĩ đánh giá, kiểm tra nhịp tim nhằm phát hiện những trường hợp loạn nhịp tim để điều trị.

2. Chóng mặt

Chóng mặt là cảm giác mà bệnh nhân cảm thấy vật thể xung quanh họ chuyển động, cảm giác như họ bị xoay vòng vòng, té ngã hoặc mất thăng bằng. Khi cơn chóng mặt nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ buồn nôn và ói mửa, gặp khó khăn khi đứng hoặc đi, có thể mất cân bằng và té ngã.

Nguyên nhân gây chóng mặt cũng bao gồm rối loạn của tai trong, viêm thần kinh tiền đình, chấn thương tai, chấn thương đầu, đau nửa đầu...

Những nguyên nhân ít gặp hơn bao gồm những bướu nhỏ mọc phần phía sau màng nhĩ, bướu não, ung thư di căn. Hiện cũng có rất nhiều dược phẩm có thể gây chóng mặt, hoa mắt. Sử dụng quá nhiều dược phẩm cũng có thể gây ra choáng váng, xây xẩm; sự tương tác giữa rượu và dược phẩm cũng gây ra hoa mắt, chóng mặt.

Choáng váng, xây xẩm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất vẫn ở nhóm người cao tuổi. Choáng váng có thể làm bệnh nhân té ngã dẫn đến chấn thương, từ đó phát sinh thêm nhiều hậu quả khác.

Điều trị bệnh

1. Với cơn nhẹ

Biểu hiện hoa mắt, hơi choáng váng, vận động không bình thường khi nằm, ngồi, đứng, đi lại thì dùng: Cinnarizin, uống 1 viên 25mg/lần x 3 lần/ngày, uống liền trong 5-7 ngày. Đồng thời không nên thay đổi vị trí một cách đột ngột. Các biện pháp chữa trị tại nhà như kết hợp ấn huyệt, dùng cao dán, những bài thuốc dân gian... khá hiệu nghiệm.

2. Với cơn vừa

Cảm thấy khó chịu và khó khăn khi thay đổi tư thế hoặc vị trí, lảo đảo như người say rượu, nhìn mọi vật không cố định, có thể buồn nôn hoặc nôn thì dùng: 
  • Gừng tươi khoảng 10g, làm sạch, giã nhỏ. Rót vào gừng giã nhỏ khoảng 100-150ml nước thật sôi. Quấy đều, gạn lấy nước và thêm vào một thìa đường kính và uống ngay lúc còn nóng. Nước gừng tươi chống buồn nôn và nôn.

  • Cho uống cùng lúc 2 thuốc sau đây: Diphenhydramin (Nautamin) hoặc Dimenhydrinat (bid: Dramamin) 1 viên 10mg/lần x 2 lần/ngày cùng với Cinnarizin như với cơn nhẹ trên đây. Sau khi dùng 1-2 ngày đã đỡ chóng mặt thì ngừng thuốc, chỉ dùng Cinnarizin 1 viên/lần x 3 lần/ngày trong 5-7 ngày.

3. Với cơn nặng

Rất khó khăn và khó chịu khi thay đổi tư thế (ví dụ: nằm ngửa sang nghiêng), không thể ngồi dậy, đầu óc như bị chèn ép, nôn mửa, nhìn mọi vật quay cuồng do rung giật nhãn cầu, người bệnh luôn nhắm mắt, muốn tìm nơi yên tĩnh tránh ánh sáng hoặc tiếng động... thì dùng nước gừng tươi như trên. Nếu nôn nhiều cần dùng Oresol. Đồng thời đi khám ngay tại bệnh viện. 

Các câu hỏi liên quan bệnh Hoa mắt chóng mặt