Tóm tắt bệnh Chứng khó nuốt

Các tên gọi khác của bệnh này:

  • Nghẹn
  • Mắc kẹt cổ họng thực quản

Chứng khó nuốt có nghĩa là phải mất nhiều thời gian và nỗ lực để di chuyển thức ăn hoặc chất lỏng từ miệng đến dạ dày.

Khó nuốt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn ở người lớn tuổi.

Triệu chứng

  • Khó khăn khi nuốt thức ăn hoặc nước uống. 

  • Bị đau khi nuốt thức ăn. 

  • Nôn ọe.

  • Mắc nghẹn hoặc ho khi nuốt.

  • Thức ăn bị trào ngược lên hầu, miệng hoặc mũi sau khi vừa nuốt vào.

  • Bị đau ngực hay cảm thấy nặng ngực hoặc bị chứng ợ nóng.

  • Sụt cân do không cung cấp đủ dinh dưỡng

Chẩn đoán

  • Thực hiện khai thác bệnh sử và khám lâm sàng.

  • Xét nghiệm máu và chụp chiếu sẽ được thực hiện để xác định nguyên nhân của hiện tượng này.

  • Nội soi tiêu hóa (EGD) có thể được chỉ định để kiểm tra thực quản.

  • Nuốt bari (X-quang của hầu và thực quản), chụp cắt lớp vi tính (CT Scan), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp X-quang.

Điều trị

Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra chứng khó nuốt.

Tổng quan bệnh Chứng khó nuốt

Nuốt khó khăn còn được gọi là chứng khó nuốt. Đây thường là một dấu hiệu của vấn đề về hầu họng hoặc thực quản (ống cơ dẫn thức ăn và dịch từ sau miệng xuống dạ dày).

Mặc dù chứng khó nuốt có thể xuất hiện ở bất cứ người nào, song chứng bệnh này thường thấy nhất ở những người lớn tuổi, trẻ sinh non, người có vấn đề về não bộ hoặc hệ thần kinh.

Có rất nhiều vấn đề khác nhau làm cho hầu họng hoặc thực quản không làm tốt nhiệm vụ. Một vài vấn đề trong số đó không mấy quan trọng, trong khi một số trường hợp khác lại rất nghiêm trọng. Nếu chỉ bị khó nuốt 1 hoặc 2 lần, thì đây không phải là vấn đề bệnh lý. Nhưng nếu có vấn đề về việc nuốt thường xuyên, thì có thể bạn có một vấn đề nghiêm trọng hơn cần phải điều trị.

Điều trị bệnh

Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào các nguyên nhân gây khó nuốt.

  • Các bài tập cho cơ nuốt. Nếu bạn có các vấn đề về não, các dây thần kinh, cơ, thì cần phải tập luyện để các cơ hoạt động cùng nhau giúp cho việc nuốt. Cần biết vị trí và cách đưa thức ăn vào miệng để có thể nuốt tốt hơn.
  • Thay đổi các loại thức ăn. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn các loại thức ăn và chất lỏng có thể nuốt được dễ dàng hơn.
  • Nong giãn thực quản. Trong cách điều trị này, một thiết bị sẽ được đặt vào thực quản để mở rộng bất kì chỗ hẹp nào của thực quản. Bạn có thể phải điều trị nhiều lần.
  • Nội soi. Trong một số trường hợp, một ống soi dài, mỏng có thể được sử dụng để lấy các vật kẹt trong thực quản của bạn.
  • Phẫu thuật. Nếu bạn bị một vật gì đó làm nghẹt thực quản (như khối u hoặc túi thừa), thì cần phải phẫu thuật để cắt bỏ nó. Phẫu thuật đôi khi cũng được sử dụng ở những người có vấn đề hiếm về hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến cơ thực quản dưới (chứng co thắt thực quản).
  • Dùng thuốc. Nếu bạn bị khó nuốt liên quan đến GERD, chứng ợ nóng, hoặc viêm thực quản, dùng thuốc theo đơn của bác sĩ có thể ngăn chặn được acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Các nhiễm trùng ở thực quản có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Các câu hỏi liên quan bệnh Chứng khó nuốt